Cơ quan Bảo vệ Tài chính Mỹ (CFPB) kiện JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo, cáo buộc không điều tra đúng đắn các vụ gian lận trên Zelle.
Theo CNBC, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) vừa đệ đơn kiện mạng lưới thanh toán Zelle và ba ngân hàng lớn tại Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo, cáo buộc các bên không điều tra thỏa đáng các khiếu nại gian lận và từ chối bồi thường cho nạn nhân.
Hơn 870 triệu USD tổn thất từ Zelle kể từ năm 2017
Theo CFPB, khách hàng của ba ngân hàng này đã mất hơn 870 triệu USD kể từ khi Zelle ra mắt vào năm 2017. Zelle, được điều hành bởi công ty công nghệ tài chính Early Warning Services thuộc sở hữu ngân hàng, là một mạng thanh toán ngang hàng cho phép thực hiện giao dịch ngay lập tức giữa cá nhân và doanh nghiệp.
Trong khi Zelle nhanh chóng trở thành dịch vụ thanh toán lớn nhất nước Mỹ, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã gia tăng chỉ trích về các tội phạm tài chính diễn ra trên nền tảng này.
“Các ngân hàng lớn đã vội vàng triển khai Zelle để cạnh tranh với các ứng dụng thanh toán khác nhưng lại không đưa ra biện pháp bảo vệ phù hợp. Điều này biến Zelle thành mỏ vàng cho tội phạm gian lận, đẩy nạn nhân vào cảnh tự xoay sở”, Giám đốc CFPB Rohit Chopra nhấn mạnh.
Mạng lưới thanh toán Zelle, nguồn: Internet
ây là động thái mới nhất của CFPB trong những ngày cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Biden. CFPB đã triển khai nhiều biện pháp gây tranh cãi nhằm hạn chế phí trễ hạn thẻ tín dụng và phí thấu chi, nhưng các ngân hàng liên tục phản đối. JPMorgan thậm chí từng tuyên bố sẽ kiện CFPB nếu bị phạt vì vai trò trong mạng lưới Zelle.
Trong đơn kiện, CFPB yêu cầu các ngân hàng chấm dứt các hành vi bị cáo buộc là bất hợp pháp trên Zelle và nộp phạt với số tiền chưa xác định.
Lỗ hổng bảo mật và phản hồi từ ngân hàng
Dù phần lớn giao dịch trên Zelle diễn ra suôn sẻ, nhưng báo cáo của Thượng viện Mỹ vào tháng 7 cho thấy, trong số 166 triệu USD giao dịch bị tranh chấp trong năm 2022, ba ngân hàng lớn chỉ hoàn trả khoảng 38% số tiền này.
Ngân hàng cho rằng nhiều trường hợp bị cáo buộc gian lận thực chất là khách hàng tự ý thực hiện giao dịch và không thuộc diện bồi thường. CFPB cũng chỉ trích Zelle vì có “cơ chế xác minh danh tính hạn chế”, tạo điều kiện cho tội phạm truy cập hệ thống và chuyển tiền giữa các ngân hàng mà không bị phát hiện.
Giám đốc CFPB Rohit Chopra nhấn mạnh: “Các ngân hàng biết khách hàng bị mất tiền nhưng vì họ không phải chịu thiệt hại trực tiếp, nên không nỗ lực giải quyết vấn đề”.
Rohit Chopra, giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, nguồn: Internet
Phản hồi từ Early Warning Services
Early Warning Services, công ty điều hành Zelle, gọi vụ kiện này là “vô căn cứ” và tuyên bố sẽ bảo vệ mình trước pháp lý.
“Zelle dẫn đầu trong việc chống lại gian lận với các chính sách hoàn tiền tiên tiến vượt trên yêu cầu pháp luật. Những cáo buộc của CFPB chỉ làm lợi cho tội phạm, tăng chi phí cho người tiêu dùng và gây khó khăn cho các ngân hàng nhỏ” đại diện công ty phản bác.
Early Warning Services cũng cho rằng con số 870 triệu USD được CFPB đưa ra là không chính xác, vì bao gồm cả các trường hợp lỗi hoặc khiếu nại giả mạo. Công ty cho biết tỷ lệ báo cáo lừa đảo đã giảm gần 50% trong năm 2023, dù khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Theo Tom Peacock, Giám đốc tình báo gian lận toàn cầu tại BioCatch, Zelle là phương thức ưu tiên của tội phạm mạng vì tốc độ chuyển tiền nhanh hơn các phương thức khác. Trong bối cảnh căng thẳng giữa CFPB và ngành ngân hàng, vụ kiện này hứa hẹn sẽ là tâm điểm chú ý trong những ngày tới.
Theo Kiến thức đầu tư