Trước khi dàn lãnh đạo bị truy tố vì chuyển nhượng các khu đất, Resco thu trăm tỷ mỗi năm. Hết năm 2022, Resco có hơn 3.200 tỷ đồng đầu tư vào các công ty khác và gửi ngân hàng.
Hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo cơ quan điều tra, các nguyên lãnh đạo Resco được cho là có liên quan đến việc chuyển nhượng hai nhà, đất, gồm: Mặt bằng tại số 299/18 Lý Thường Kiệt, P.1 5, Q. 11 và mặt bằng tại số 682 Hồng Bàng, P. 1, Q. 11.
Cụ thể, Resco đã chuyển nhượng hai nhà, đất này cho hai công ty liên kết không đúng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, không đấu giá, dẫn đến gây thất thoát 4 tỷ đồng.
Hiện trạng mặt bằng số 682 Hồng Bàng, P. 1, Q. 11. (Ảnh: Anh Phương)
Được chuyển đổi từ Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vào năm 2010, Resco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Chức năng của doanh nghiệp này là đầu tư xây dựng dự án, nhà ở xã hội, nhà tái định cư cho chương trình giải tỏa nhà ven kênh rạch…
Reso đã và đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản, từ loại hình chung cư thương mại, nhà ở xã hội, khu dân cư đến cao ốc văn phòng.
Một số dự án tiêu biểu của Resco như: Chung cư An Hội 1-4, Q. Gò Vấp; chung cư Nguyễn Kim khu A và khu B, Q.1 0; khu lưu trú công nhân huyện Bình Chánh; nhà ở xã hội P. Tân Thới Nhất, Q. 12; khu dân cư 6B, huyện Bình Chánh; khu dân cư Rạch Ụ Cây, Q. 8; cao ốc 257 Điện Biên Phủ, Q. 3; cao ốc Resco tại số 94-96 Nguyễn Du, Q. 1…
Đến nay, Resco vẫn chưa công bố thông tin về tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2023.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2022 đã kiểm toán cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Resco đạt 119 tỷ đồng, thấp hơn năm 2021 hơn 44 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, năm 2022, Resco đạt doanh thu 133,8 tỷ đồng, cao hơn năm trước gần 6 tỷ đồng. Kết quả, Resco đạt 134,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn năm 2021 gần 26 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2022, Resco đang có 80,8 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn và 710,7 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn từ 1-3 tháng với lãi suất từ 5-6%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 224,5 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 8-9%/năm.
Thu hàng trăm tỷ từ khách sạn 5 sao Sheraton Saigon
Về các khoản đầu tư tài chính, Resco đang đầu tư vào 5 công ty con với giá gốc 487 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn vốn được Resco đầu tư tại CTCP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 với khoảng 362 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Resco cũng đầu tư 1.280 tỷ đồng vào 17 công ty liên doanh, liên kết và 502 tỷ đồng vào 10 đơn vị khác.
Trong 17 công ty liên doanh, liên kết, Resco có những khoản đầu tư lớn như 672,5 tỷ đồng vào CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà – HDTC, hay 348 tỷ đồng vào Công ty TNHH Keppel Land Watco.
Reso được chia 434 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2022 từ lợi nhuận của khách sạn Sheraton Saigon. (Ảnh: S.T)
HDTC là doanh nghiệp của đại gia Đinh Trường Chinh, người vừa bị khởi tố liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh, TP. Thủ Đức.
Trong khi đó, Công ty TNHH Keppel Land Watco là chủ đầu tư dự án Saigon Center, ở vị trí có ba mặt tiền gồm đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pastuer, Q. 1. Giai đoạn 2020-2022, Resco nhận hơn 164 tỷ đồng tiền cổ tức từ doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Resco còn đầu tư gần 92 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Đại Dương, đơn vị chủ quản khách sạn 5 sao Sheraton Saigon. Giai đoạn 2018-2022, Resco được chia cổ tức và lợi nhuận hơn 434 tỷ đồng từ doanh nghiệp này.
Kết thúc năm tài chính 2022, tổng giá trị hàng tồn kho của Resco được ghi nhận hơn 1.603 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.286 tỷ đồng là chi phí tại các dự án bất động sản.
Cụ thể, 840 tỷ đồng tại dự án chung cư Nguyễn Kim khu B, Q. 10; 340 tỷ đồng tại cụm chung cư An Hội, Q. Gò Vấp; phần còn lại nằm tại dự án khu lưu trú công nhân và các dự án khác.
Theo VIETNAMNET