Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau… Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có các dự án lớn, xoay chuyển tình thế cho khu vực ĐBSCL – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa?
Sáng 24/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL.
Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là “sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn”.
Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4,000 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.
Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau… Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.
“ĐBSCL có nhiều việc cần làm, nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Từ tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới ảnh hưởng nặng nề ở ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Bên cạnh đó, phải xây dựng các dự án mang tính lâu dài, những dự án hàng tỷ USD.
Theo đó, ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng nhắc lại sự thay đổi của dòng sông Mekong phía thượng nguồn là vấn đề lớn, Việt Nam đang cùng các nước có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án lớn để góp phần không làm ảnh hưởng quá lớn đến dòng chảy của sông Mekong. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong rất quan trọng, là vấn đề lớn và lâu dài.
“Ngoài nỗ lực của chúng ta thì thúc đẩy các tiểu vùng sông Mekong với các đối tác lớn, các nước liên quan trong khu vực, kêu gọi các nước có điều kiện kinh tế, khoa học phát triển để cùng giải quyết”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, vấn đề ĐBSCL hết sức quan trọng với ngành nông nghiệp, với công ăn việc làm, sinh kế của người dân và với sự phát triển của đất nước.
Phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế
Theo người đứng đầu Chính phủ, sạt lở ĐBSCL là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực đến ĐBSCL.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
“Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải thì chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và lưu ý phải có tư duy, phương thức, cách tiếp cận mới để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.
Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.
Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác, như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Nhấn mạnh thuận lợi của khu vực ĐBSCL là sông nước mà đã gắn với sông nước thì phải có cầu, cảng, Thủ tướng lưu ý trong phát triển hạ tầng giao thông, với vùng ĐBSCL có thể tận dụng, khai thác từ dòng sông, song phải là khai thác bền vững.
Cũng theo Thủ tướng, để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, việc của Trung ương là kết nối vùng, kết nối tỉnh nhưng các địa phương phải nỗ lực, dành nguồn lực để kết nối trong tỉnh, huyện.
Dẫn ví dụ từ bài học quyết tâm làm sân bay của Điện Biên để nói về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, địa phương phải quyết tâm làm, bỏ tiền ra và tập trung làm, không ỷ lại Trung ương. Trung ương cũng không bỏ rơi địa phương. Địa phương bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, Trung ương bỏ tiền ra làm đường bay, sân đỗ, nhà ga. Có như vậy mới có sân bay Điện Biên. Trung ương và địa phương cùng làm.
“Ta biết tháo gỡ thì ta có nguồn lực, nếu chỉ địa phương hay chỉ Trung ương thì cũng không làm được mà phải có hợp tác, vẫn cần BOT, BT để phát triển hạ tầng”, Thủ tướng nhấn mạnh
Nguồn: vietstock.vn