Tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, các Đại biểu Quốc hội đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong đó nhấn mạnh đến cách ứng xử né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, thời gian qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên, số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm. Trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều người lao động, người phụ thuộc như: giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện… “Số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững”, đại biểu Thuỷ nói.
Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao.
Dẫn chứng về tỉ lệ lao động không có việc làm, Đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho hay, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15 – 24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%… Tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%…
“Thanh niên chính là lực lượng đông đảo tiên phong trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ”, Đại biểu Huyền nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Hữu Trí đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản thị, trường xuất nhập khẩu. Đồng thời các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được
Cùng với đó, trong lĩnh vực đầu tư, ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia…
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, việc huy động phân bổ về sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công.
Còn Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…
Ngoài ra, cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp.
Tổng hợp từ Nhịp sống thị trường