“HHV đang trong giai đoạn chuẩn bị bằng cách hợp tác với các đối tác nước ngoài, học tập các mô hình tàu hàng của Trung Quốc, còn tàu khách phải học từ Nhật Bản. Là nhà thầu nên Chính phủ đưa ra công nghệ gì thì sẽ làm cái đấy”, vị Chủ tịch chia sẻ.
Chia sẻ tại sự kiện kết nối đầu tư, chia sẻ thông tin giữa các nhà đầu tư và công ty mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết đang muốn thử sức ở mảng đường sắt.
Đã cử nhân sự chủ chốt sang nước ngoài học công nghệ về đường sắt
Cụ thể, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV cho biết, trong các dự án mà HHV đang nghiên cứu, dự án đường sắt được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao đang được Chính phủ xem là hình thức đầu tư công, Đèo Cả sẽ tham gia với vai trò nhà thầu và phải thực sự am hiểu về lĩnh vực đường sắt này.
“HHV đang trong giai đoạn chuẩn bị bằng cách hợp tác với các đối tác nước ngoài, học tập các mô hình tàu hàng của Trung Quốc, còn tàu khách phải học từ Nhật Bản. Là nhà thầu nên Chính phủ đưa ra công nghệ gì thì sẽ làm cái đấy”, vị Chủ tịch chia sẻ.
Hiện, HHV đã đưa một số nhân sự chủ chốt của Công ty qua lĩnh vực đường sắt và cử một số nhân sự sang nước ngoài để học tập một số công nghệ.
Đối với hoạt động quản lý vận hành, HHV tự tin khẳng định đây sẽ là thế mạnh chuyên biệt của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho hơn 300km đường cao tốc và quốc lộ, 25km hầm đường bộ và đang quản lý 15 trạm thu phí BOT trên cả nước.
Năm 2024 sẽ phát hành riêng lẻ huy động thêm 741 tỷ đồng
Được biết, HHV là thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả, với 3 mảng hoạt động chính là đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV công bố số liệu ước tính kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 2.511 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện 2022; lãi ròng 385 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, hoạt động thu phí BOT chiếm tỷ trọng doanh thu chính với 1.566 tỷ đồng, kế đến từ hoạt động xây lắp 875 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, HHV sẽ vượt 1% kế hoạch về doanh thu và vượt 14% kế hoạch về lợi nhuận.
Ông Huy cũng cho biết, trong giai đoạn 2024 – 2025, HHV đặt kế hoạch doanh thu lần lượt 2.915 tỷ đồng và 3.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 448 tỷ đồng và 532 tỷ đồng. Biên lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến ổn định ở mức 14 – 18%.
Về kế hoạch huy động vốn, bên cạnh kế hoạch chào bán hơn 82,3 triệu cổ phiếu HHV cho cổ đông hiện hữu vừa qua, trong năm 2024 Công ty có kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá trị 741 tỷ đồng để đầu tư loạt dự án cao tốc và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công bố đầu tư loạt dự án cao tốc với tổng quy mô 100.000 tỷ đồng
Lãnh đạo HHV cũng công bố chiến lược đầu tư loạt dự án cao tốc với tổng quy mô 100.000 tỷ đồng. Cụ thể,
Đối với hoạt động đầu tư, với tư cách độc lập và liên danh, HHV đã và đang tham gia loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư vượt hơn 50.000 tỷ đồng, gồm: chuỗi hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Ban lãnh đạo HHV cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2025, doanh nghiệp đang đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị – Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tp.HCM – Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.
Trong đó, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, dự kiến khởi công trong tháng 12/2023.
Trả lời lo ngại của nhà đầu tư về việc đòn bẩy tài chính cao, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, điều này không có ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của HHV, cũng như lợi ích của cổ đông.
Đặc thù của Công ty là đầu tư các công trình công với tổng mức đầu tư rất lớn, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công thường chỉ 10 – 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Bên cạnh đó, các khoản vay của Công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT, các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện trên cơ sở doanh thu thực tế, do đó, điều này không ảnh hưởng đến dòng tiền của HHV.
Tổng hợp từ Nhịp sống thị trường