Hơn ¼ thế kỷ chờ đợi, nhà đầu tư cuối cùng cũng được cho phép bán khống trên sàn chứng khoán Philippines trong bối cảnh lượng giao dịch và vốn ngoại suy giảm liên tục trong khi nhiều quốc gia đang mạnh tay với hình thức giao dịch này.
Kể từ ngày 6/11, Sở Chứng khoán Philippines (PSE) cho phép các nhà đầu tư bán khống 52 cổ phiếu và một quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Ramon Monzon, giám đốc điều hành PSE, cho biết: “Nếu thiếu đi các giao dịch bán khống, chúng tôi sẽ trở thành thị trường duy nhất chỉ mua vào. Trong tình cảnh đó, nếu có điều gì bất ổn với nền kinh tế, thậm chí là ở các nền kinh tế mới nổi khác, bán tháo có thể xảy ra. Nhờ bán khống, các nhà đầu tư có một công cụ để phòng ngừa rủi ro”.
PSE cho phép bán khống trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc đang thắt chặt kiểm soát hoạt động bán khống khi mà các thị trường mới nổi đang chịu áp lực lãi suất cao của Mỹ.
Ở trong nước, PSE đang tìm cách khôi phục sự quan tâm của nhà đầu tư trong bối cảnh lượng giao dịch hàng ngày trung bình trên sàn chứng khoán Philippines đã giảm gần 40% trong thập kỷ qua và đầu tư cổ phiếu nước ngoài dự báo sẽ giảm trong năm thứ sáu liên tiếp.
Dẫu vậy, một số chuyên gia cũng bày tỏ nỗi lo thanh khoản. Chỉ số sàn chứng khoán Philippines đã giảm gần 9% trong năm 2023, và nhà đầu tư nước ngoài đã rút gần 6 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán nước này kể từ năm 2018.
Ernest Chew, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán Đông Nam Á tại BNP Paribas Asset Management, nhận định việc cho phép bán khống có thể chưa đủ để thu hút các quỹ ngoại trở lại. Tính thanh khoản là một trong những rào cản chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường chứng khoán Philippines.
“Việc bán khống có thể gây ra nhiều biến động bất lợi hơn, đặc biệt là ở một thị trường có tính thanh khoản thấp hơn,” ông Chew nói.
Tham khảo: Bloomberg