Nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép là nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Cục Công nghiệp tập trung triển khai trong năm 2024 …
Thị trường thép xây dựng dự báo còn trầm lắng do thị trường bất động sản suy giảm
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, thị trường của phần lớn các ngành công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng…
GIÁ TRỊ GIA TĂNG Ở MỨC THẤP NHẤT TRONG 10 NĂM
Trong năm 2023, kinh tế thế giới suy giảm, cầu ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo năm 2023 ước tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế so với các năm trước đó.
Chỉ số sản xuất công nghiệp và sản lượng sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng giảm so với cùng kỳ, như ô tô, xe máy, thép, điện tử, điện thoại di động, giày dép da, quần áo may mặc thường…
Năng lực sản xuất công nghiệp vẫn chậm được cải thiện, chưa có nhiều biến chuyển trong việc giải quyết các điểm nghẽn vốn có của nền công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.
Báo cáo tháng 12/2023 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% của năm 2022. Trong khi tỷ lệ tồn kho cao (bình quân năm 2023 là 87,5% so với mức bình quân 78,1% của năm 2022), cho thấy những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.
Như vậy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp, trong khi tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.
Trong cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, còn thiếu vắng các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với các ngành sản xuất trong nước; phần lớn kim ngạch xuất khẩu do đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Hơn nữa, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu…
TẠO THÊM NĂNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
Năm 2024, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%. Tuy nhiên, trong năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm – nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực – trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục. Việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…
Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Đồng thời tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Đặc biệt cần sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới.
Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các mặt hàng công nghiệp. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu.
Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp trong ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho các ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.
Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Theo vneconomy.vn