(ĐTCK) Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM và Hà Nội cho thấy, tín dụng tại hai thành phố này đã quay lại trạng thái tăng trưởng dương trong tháng 2. Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm 1% trong hai tháng đầu năm.
Sức cầu vốn yếu
Ngân hàng Nhà nước thông tin, tín dụng toàn ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1/2024. Còn theo báo cáo cập nhật mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm 1% trong hai tháng đầu năm.
Điều này đồng nghĩa với việc dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế chậm khi sức cầu yếu và khả năng còn tăng chậm trong quý đầu năm nay.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm trở thành quy luật trong hoạt động của ngành ngân hàng, khi số liệu thống kê cho thấy, mức bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn từ năm 2013 – 2023 chỉ là 0,56%. Hiện tượng tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm cũng từng xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024. Dù chưa có số liệu chính thức, song mức tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm 2024 có vẻ nghiêm trọng hơn so với giai đoạn trước đó.
Tại TP.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 1 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023.
Theo ông Lệnh, tín dụng giảm trong tháng 1 là do sức hấp thụ vốn nền kinh tế trong nước vẫn còn yếu, thêm vào đó là tính mùa vụ khi tháng 1 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Nhu cầu vốn, chủ yếu là vốn ngắn hạn tăng mạnh trong quý cuối năm 2023 để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, thương mại và dịch vụ phục vụ cho dịp Tết. Dư nợ tín dụng này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ. Điều này được phản ánh rõ nét khi dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn tháng 1/2024 giảm 2,32%, trong khi dư nợ trung dài hạn tăng 0,35% so với tháng trước”, ông Lệnh phân tích.
Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, trong đó lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất hiện còn 5 – 6%/năm, song cầu vốn vẫn khó tăng.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, đến cuối tháng 1/2024, tín dụng của nhà băng này giảm khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, do xu hướng vay mua bất động sản tiêu dùng giảm từ năm 2023 và kéo đến tháng 1/2024 đi xuống trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu nguồn cung. Về mảng khách hàng bán buôn, khó khăn tập trung chủ yếu ở vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, làm chậm tiến độ triển khai dự án mới, ảnh hưởng giải ngân các khoản vay trung dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều mảng tín dụng đặc thù có tính thời vụ vào thời điểm cuối năm như dư nợ phục vụ thanh toán quốc tế thường tăng vào cuối năm và giảm khi khách hàng trả nợ vào đầu năm tiếp theo; doanh nghiệp xuất khẩu thường có kỳ thu tiền vào cuối năm; doanh nghiệp FDI thường trả nợ khoản vay ngắn hạn để quyết toán…
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho hay, thường tăng trưởng dư nợ quý đầu năm thấp và kỳ vọng có sự cải thiện kể từ quý II, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm khá mạnh so với nửa đầu năm ngoái, xuất khẩu dần hồi phục, khả năng sức cầu tiêu thụ trong nước cải thiện trong thời gian tới.
Thông tin được ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank chia sẻ cho thấy bức tranh phân hóa trong ngành. Cụ thể, trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt khoảng 0,2%. Trong tháng 2/2024, thị trường khả quan hơn nên dư nợ tín dụng của Ngân hàng đến cuối tháng 2 tăng khoảng 2% so với cuối năm 2023.
“Việc dư nợ tín dụng giảm trong những tháng đầu năm cũng là chuyện bình thường, vì nhu cầu vốn của khách hàng trong những tháng đầu năm chưa cao. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 15% trong năm nay khả năng sẽ đạt được, vì lãi suất cho vay không còn là rào cản đối với người đi vay”, ông Thanh nói.
Đẩy vốn, chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ
Theo CEO HDBank, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,3 – 0,5%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu vốn. Năm nay, HDBank sẽ triển khai mạnh chương trình tài trợ liên kết chuỗi, ngoài chuỗi nông nghiệp còn chuỗi bên sản xuất, xuất khẩu, gắn liền với đối tác trực thuộc.
“HDBank chia sẻ với những đối tác đó để có những mô hình tài trợ phù hợp, kể cả chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng và đối tác đầu mối. Chúng tôi đồng hành cùng đối tác trong triển khai tăng trưởng tín dụng theo chuỗi an toàn và là cơ hội kích cầu tín dụng”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, để kích cầu tín dụng, Vietcombank tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường, thực hiện đúng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các dự án trọng điểm, dự án lớn có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội tại địa phương và toàn quốc như hạ tầng hàng không, cảng biển, giao thông, lĩnh vực năng lượng, dầu khí, bất động sản công nghiệp, FDI…
Lãnh đạo của một ngân hàng cũng cho rằng, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh sức cầu yếu thì ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Vị này đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý hỗ trợ các ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tìm kiếm môi trường kinh doanh mới, tăng vốn tự có để từ đó giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh thì cho rằng, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp là giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng. Trong đó, việc gắn chương trình với việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi do các tổ chức tín dụng đăng ký tham gia đã phát huy hiệu quả và đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp. Với quy mô gói tín dụng ưu đãi của chương trình năm 2024 được 17 ngân hàng đăng ký, tổng số tiền đạt 509.684 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 12,49% so với năm 2023 và thêm 3 ngân hàng tham gia (gói tín dụng này năm 2023 là 453.070 tỷ đồng).
Vietcombank, BIDV và VietinBank tiếp tục là những ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng có quy mô lớn nhất, chiếm 80% quy mô gói. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, Sacombank, Nam A Bank, OCB, BVBank cũng tham gia tích cực, bên cạnh đó các định chế tài chính nước ngoài như Standard Chartered, Sinhanbank…
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, năm 2024, room tín dụng không còn là vấn đề với ngân hàng. Dư địa cho vay nhiều, quan trọng là ngân hàng kiếm được khách hàng tốt cho vay, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức cầu yếu và nợ xấu cũng gia tăng. Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng dành nguồn lực của chính mình để hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cho các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn