Sau năm 2023 báo lỗ, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm cùng mặt bằng lãi suất hiện đã về mức thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 là cơ sở để kỳ vọng lợi nhuận của Công ty CP FECON (FECON) sẽ phục hồi trong năm 2024.
Trúng thầu hơn 1.300 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2024
Theo thông tin vừa được FECON công bố, 2 tháng đầu năm 2024, Công ty đã trúng thêm nhiều gói thầu mới trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng và xây dựng công trình công nghiệp với tổng giá trị sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng.
Cụ thể, trong mảng xây dựng hạ tầng, ngày 27/1, FECON ký kết hợp đồng trị giá 781 tỷ đồng thực hiện Gói thầu Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với Chủ đầu tư HATECO. Sau Gói thầu Cọc đất gia cố xi măng – CDM trị giá 383,1 tỷ đồng, đây là gói thầu tiếp theo FECON được HATECO lựa chọn thực hiện cho dự án này.
Cũng trong tháng 1/2024, FECON trúng Gói thầu Thi công cầu cảng thuộc Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece (một cảng nằm trong hệ thống cảng biển Thị Vải – Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với Chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ xuất nhập khẩu nông lâm sản và phân bón Bà Rịa. Tại gói thầu này, FECON phụ trách các hạng mục thi công gồm: nạo vét khu nước trước bến, thi công cầu cảng, thi công hệ thống điện nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 100 tỷ đồng.
Ngày 26/1, FECON cùng Tập đoàn Thái Bình Dương – Pacific (Chủ đầu tư) đã ký kết hợp đồng trị giá hơn 200 tỷ đồng thực hiện Gói thầu Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội thuộc Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình. Thời gian thi công dự kiến trong 9 tháng.
Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, FECON công bố sẽ tham gia thực hiện Gói thầu Thi công hạ tầng thuộc Dự án Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại tại Bình Dương (hơn 180 tỷ đồng) và đảm nhận Gói thầu Thi công hạ tầng kỹ thuật – Hardscape cảnh quan – trạm xử lý nước thải (hơn 60 tỷ đồng) cho Dự án Khu dân cư 15 ha thị xã Bình Long (Dự án Cát Tường Edu Town), tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra, FECON còn trúng hàng loạt gói thầu khác như: Gói thầu Thi công cọc xi măng đất đường kính D1000mm thuộc Dự án Kho khí dầu mỏ lỏng LPG Yên Hưng (gần 18 tỷ đồng); Gói thầu Thi công cọc xi măng đất đường kính D1200mm thuộc Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (hơn 8 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp và thi công ép cọc thử, thí nghiệm sức chịu tải cọc, thi công ép cọc đại trà nhà Beta và nhà Gamma (hơn 10 tỷ đồng) thuộc Dự án Trường Phổ thông liên cấp FPT Hậu Giang…
Với hàng loạt gói thầu mới trúng, tổng giá trị các hợp đồng FECON đang triển khai trong năm 2024 khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để kỳ vọng lợi nhuận của FECON sẽ phục hồi trong năm nay sau năm 2023 nhiều khó khăn.
Kỳ vọng phục hồi lợi nhuận
Năm 2023, FECON báo lỗ sau thuế 43,1 tỷ đồng, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong hơn chục năm gần đây. Hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu trong năm chỉ đạt 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022. Mặc dù đã nỗ lực giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý, nhưng chi phí lãi vay tăng cao và dư nợ vay lớn khiến FECON lâm vào cảnh thua lỗ.
Thực tế, tình hình kinh doanh của FECON trong nhiều năm gần đây đã có dấu hiệu khó khăn với doanh thu, lợi nhuận liên tục sụt giảm. Trong năm 2022, thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty không đủ bù đắp các khoản chi phí và FECON thoát lỗ nhờ có khoản lãi 145 tỷ đồng bán Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Đến năm 2023, lợi nhuận của FECON về mức âm khi không còn khoản thu nhập đột biến như năm trước.
Việc nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng vốn cũng ảnh hưởng đến dòng tiền của Công ty. Mặc dù doanh thu giảm nhưng tính đến cuối năm 2023, số dư khoản phải thu ngắn hạn của FECON lại tăng 18,6% so với đầu năm lên 3.829,6 tỷ đồng, chiếm 43,6% cơ cấu tài sản. Số dư nợ vay đến cuối năm 2023 tăng thêm 245 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.953 tỷ đồng, bao gồm 1.952 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.001 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Số dư nợ vay lớn trong bối cảnh lãi suất cao nửa đầu năm 2023 khiến chi phí lãi vay cả năm của FECON lên đến 260,6 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2022 và tương đương 53,6% lợi nhuận gộp mà Công ty thu về trong năm.
Tình hình kinh doanh – dòng tiền khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào cuối tháng 4/2023 thông qua quyết định trả cổ tức tiền mặt 5% vốn điều lệ theo phương án phân phối lợi nhuận của năm 2022, đến cuối tháng 2/2024, Công ty mới thông báo chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức. Tổng số tiền cần cho đợt chi trả này là 78,7 tỷ đồng, tương đương 0,89% quy mô tài sản – nguồn vốn của FECON đến cuối năm 2023. Tuy vậy, theo lộ trình dự kiến, cổ đông sẽ nhận trước 20% số cổ tức (100 đồng/cổ phiếu) vào cuối tháng 3/2024, 80% còn lại (400 đồng/cổ phiếu) dự kiến phải đến tháng 12/2024 mới về tài khoản của cổ đông. Trước đó, tại Nghị quyết HĐQT tháng 12/2023, FECON lý giải nguyên nhân kéo dài thời hạn thanh toán cổ tức là do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu cùng mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đáng kể so với giai đoạn đầu năm 2023 là cơ sở để kỳ vọng lợi nhuận của FECON sẽ phục hồi trong năm 2024. Bên cạnh kỳ vọng phục hồi ở mảng kinh doanh truyền thống là thi công xây lắp nền móng và công trình ngầm phục vụ xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông, trong nửa cuối năm 2024, kết quả kinh doanh của FECON còn được kỳ vọng sẽ có sự đóng góp của mảng cho thuê khu công nghiệp. Cụ thể, cuối năm 2022, Công ty CP FECON Hiệp Hòa – công ty con của FECON, đã nhận quyết định trở thành Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Cụm khu công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này dự kiến đưa vào khai thác từ quý III/2024.
Theo Fireant