Sau 5 phiên (từ 11-15/3) phát hành tín phiếu, NHNN đã hút ròng gần 75.000 tỷ đồng. Đây được cho là động thái trong ngắn hạn nhằm hỗ trợ tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng.
NHNN đã hút ròng 75.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Ảnh: SBV
Ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trở lại phát hành tín phiếu sau khoảng 4 tháng tạm dừng. Sau 5 phiên 11-15/3, NHNN đã phát hành gần 75.000 tỷ đồng tín phiếu.
Công ty chứng khoán BSC nhận định, mục tiêu của NHNN là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản.
Phát hành tín phiếu là nghiệp vụ bình thường, cơ bản của NHTW. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2023, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm.
Theo BSC, nguyên nhân NHNN trở lại sử dụng công cụ tín phiếu là để hỗ trợ cho tỷ giá khi tỷ giá vừa qua tăng mạnh gồm: Chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD; DXY-Index tăng (nhưng vẫn ở mức thấp 102.8); Fed phát tín hiệu lùi thời điểm hạ lãi suất từ quý I sang quý II/2024.
Kể từ khi NHNN bắt đầu hút tiền (ngày 11/3), tỷ giá đã có xu hướng giảm so với mức đỉnh. Tỷ giá trên thị trường chợ đen đã có xu hướng hạ nhiệt trong 3 ngày đầu nhà điều hành hút 45.000 tỷ đồng qua tín phiếu.
Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng lên sau 3 phiên hút ròng.
Lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,76%/năm trong phiên 11/3 lên 1,47%/năm trong phiên 13/3. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 1,29% lên 2,01%/năm.
BSC dự báo quy mô hút ròng giai đoạn này có thể khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng. Lãi suất tín phiếu trung bình khoảng 1-1,3%/năm.
Theo Fireant