Những công ty chứng khoán đầu tư mạnh cho công nghệ là những đơn vị nắm giữ thị phần môi giới lớn nhất sàn chứng khoán.
Những CTCK chi nhiều cho công nghệ là những công ty có thị phần môi giới cao. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu
Hai hôm nay, hệ thống giao dịch của VNDirect (mã: VND) bị tê liệt, nhà đầu tư không thể đăng nhập tài khoản, website không hiện gì khác ngoài thông báo hệ thống bị gián đoạn giao dịch đang trong quá trình khắc phục.
Chia sẻ trên chương trình “Chuyển động 24h” trưa ngày 26/3, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng Giám đốc VNDirect cho biết hệ thống công ty bị tấn công bởi một nhóm chuyên nghiệp, đã mã hóa toàn bộ dữ liệu công ty. Sự cố sẽ được giải quyết thông qua 2 bước gồm giải mã các dữ liệu bị mã hóa và khôi phục hệ thống. Qua 2 ngày, VNDirect mới gần hoàn thành việc giải mã tất cả dữ liệu bị phong tỏa.
Ông Long khẳng định tài sản khách hàng không bị ảnh hưởng trong sự cố này. Liên quan đến những ngày không thể giao dịch, VNDirect sẽ có chính sách để đảm bảo quyền lợi, khắc phục hậu quả.
Diễn biến này cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ trong kinh doanh chứng khoán. Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) đều cho biết rất chú trọng đầu tư công nghệ từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại 4.0, nhu cầu giao dịch trực tuyến, qua app trên điện thoại ngày càng cao.
Như Chứng khoán SSI (mã: SSI) chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để cả tiến chất lượng giao dịch trực tuyến và nâng cấp các hệ thống để gia tăng năng lực, tốc độ xử lý, đảm bảo các giao dịch trực tuyến của khách hàng được nhanh chóng và chính xác.
Hay VNDirect từ 2008 đã đầu tư nền tảng công nghệ riêng, tự phát triển hệ thống Core system, tạo tiền đề cho dịch chuyển từ mô hình kinh doanh dịch vụ giao dịch chứng khoán sang nền tảng dịch vụ đầu tư tài chính đa dạng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ngày càng phát triển, thanh khoản tăng cao và hệ thống KRX sắp đi vào vận hành với nhiều sản phẩm mới, các CTCK đều xác định đầu tư cho công nghệ là vấn đề quan trọng. Vietcap chia sẻ năm nay tiếp tục đầu tư vào công nghệ bằng cách mở rộng số lượng nhân sự ở bộ phận phát triển sản phẩm, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng công nghệ để cải tiến các tính năng trong phần mềm giao dịch, tạo ra nhiều sản phẩm hơn như các sản phẩm margin đa dạng, điểm tin thị trường, khuyến nghị danh mục đầu tư gắn trên app Vietcap mobile, phần mềm truy xuất dữ liệu phân tích cho nhân viên và khách hàng VietcapIQ.
Theo thống kê của nhadautu.vn, những doanh nghiệp chi nhiều tiền cho phát triển phần mềm giao dịch là những doanh nghiệp có thị phần môi giới lớn.
Chi phí đầu tư cho chương trình phần mềm của các CTCK, đơn vị: tỷ đồng
Tính đến cuối 2023, Chứng khoán VPS là đơn vị chi nhiều cho phát triển phần mềm nhất với 355 tỷ đồng, riêng năm 2023 đầu tư thêm 45 tỷ đồng.
Chứng khoán VPS cũng là đơn vị nắm giữ thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất sàn HoSE. Năm 2023, thị phần đạt 19,6%, ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu và khoảng cách ngày càng nới rộng so với đơn vị đứng sau như Chứng khoán SSI, VNDirect…
CTCK chiếm thị phần môi giới sàn HoSE thứ 2 là Chứng khoán SSI (mã: SSI) đầu tư gần 255 tỷ cho việc phát triển phần mềm, tăng thêm 34,2 tỷ đồng so với năm 2022. VNDirect (mã: VND) chính là đơn vị thứ 3 với 165 tỷ đồng, khấu hao 111 tỷ và giá trị còn lại 53,5 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vài chục tỷ vào phát triển phần mềm như MSVN, SHS, FTS, PSI,… qua thời gian sử dụng đã khấu hao gần hết, giá trị còn lại chỉ vài tỷ đồng.
Theo nhadautu.vn