Với việc các ngân hàng thương mại đưa giá USD lên sát trần cho phép cũng như vượt xa mức giá bán tại Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.
- Điều gì khiến tỷ giá dậy sóng?
Các chuyên gia cho rằng có những yếu tố gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, trong đó có biến động tỷ giá thời gian gần đây do yếu tâm lý, tác động từ đồng USD tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định điều này không đáng lo, bởi cung cầu ngoại tệ vẫn đang được đảm bảo. Dự báo tỷ giá sẽ có những điều chỉnh cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào nửa cuối năm 2024.
Tỷ giá vượt mọi dự báo
Có thể thấy, đến thời điểm hiện nay, với những tác động gián tiếp từ diễn biến căng thẳng ở Trung Đông đẩy triển vọng Fed giảm lãi suất ngày càng xa hơn. Đồng thời, chỉ số đồng USD (USD Index) vẫn xấp xỉ 106 điểm, cao nhất 5 tháng sau khi tăng vọt trong tuần qua, càng gây áp lực tới tỷ giá trong nước. Hiện, giá USD tại ngân hàng đều trên mức dự báo của nhiều tổ chức.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng 3,3% so với cuối năm 2023.
Cụ thể, USD bán ra tại ngân hàng thương mại ngày 15/4 đã tăng vọt vượt 25.300 đồng/USD, chính thức tạo đỉnh mới. Còn giá USD trên thị trường tự do dù đã giảm nhẹ so với vùng đỉnh ghi nhận hồi đầu tháng 3, nhưng vẫn neo ở mức cao 25.550 đồng/USD.
Tính đến ngày 16/4, sau khi thiết lập kỷ lục mới, tỷ giá USD tại ngân hàng thương mại đã tăng 3,3% so với cuối năm 2023, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng vượt mốc 3%.
Cuối tháng 3 vừa qua, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Phú Hưng đã thừa nhận tỷ giá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao lâu hơn so với dự báo trước đây của họ, dao động quanh vùng 24.780 -25.000 (tăng 200 điểm so với dự báo cũ).
Lãi suất USD neo ở mức cao lâu hơn và đồng USD thế giới mạnh hơn khi các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed sẽ khiến cho VND chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. Đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất ở mức thấp.
“Áp lực sẽ kéo dài đến cuối quý II/2024, thời điểm Fed chính thức giảm lãi suất và tín dụng trong nước khơi thông”, chuyên gia dự báo.
Từ đầu năm đến nay tỷ giá liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong bối cảnh đó, từ hồi đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có các đợt phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản ở các ngân hàng thương mại, giúp tránh tình trạng các ngân hàng gom mua USD để tìm kiếm lợi nhuận. Đây là động thái giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định việc phát hành tín phiếu để điều tiết thị trường của NHNN không đạt được hiệu quả như mong muốn. “Chúng tôi cho rằng lý do khiến cho đợt phát hành tín phiếu này trở nên kém hiệu quả do động thái này chỉ tác động tới hoạt động carry trade của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu và các hoạt động xuất khẩu nhưng trì hoãn, găm giữ USD vẫn tiếp diễn”, KBSV cho hay.
Giới phân tích nhận định giai đoạn đầu năm 2024 vẫn là một giai đoạn khó khăn cho NHNN trong công cuộc điều hành tỷ giá, nhất là khi ngoài những áp lực hiện hữu từ 2023 thì còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng. Dù vậy, nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND vẫn đang duy trì độ mất giá tương đương với CNY, KRW và THB.
Biến động tỷ giá có đáng lo?
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”, về biến động tỷ giá thời gian gần đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đồng USD tăng với 2 lý do: Thứ nhất, Fed có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua.
“Cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, có thể từ quý III thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay”, ông Lực nói.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có khả năng NHNN bán ngoại tệ, ông Lực cho rằng NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng – NHNN sẽ phải tính toán nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Đương nhiên, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp, bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
“Tôi tin NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, ví dụ như phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD – VND, cũng giảm áp lực tỷ giá trong thời gian vừa qua”, ông Lực nói.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, với việc các ngân hàng đưa giá USD lên sát trần cho phép cũng như vượt xa mức giá bán tại Sở Giao dịch, NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.
Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.
Dự trữ ngoại hối luôn được coi là “tấm đệm” ổn định tỷ giá, do đó thời gian qua, NHNN luôn tăng cường dự trữ ngoại hối.
Mặc dù chưa có con số thống kê mới nhất về dự trữ ngoại hối đến thời điểm này, nhưng theo ước tính của các tổ chức quốc tế cũng như các công ty phân tích thị trường, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s từng dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, không bao gồm vàng có thể đạt mức 95 tỷ USD vào cuối năm 2023, khi NHNN tích cực xây dựng lại kho dự trữ.
Tại thông cáo công bố ngày 27/9/2023, IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên mức 98,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và 110,5 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Theo vnbusiness.vn