Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Ấn tượng như cách Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lên đỉnh 21 tháng: 87 triệu cổ phiếu “đổi chủ”, 2.600 tỷ khớp lệnh, khối ngoại “giúp một tay” gần 500 tỷ

Với vốn hóa xấp xỉ 176.500 tỷ đồng (~7,4 tỷ USD), Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã lấy lại vị trí thứ 7 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất trên sàn chứng khoán từ Vingroup và chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vinhomes, ACV, PV Gas.

Sau giai đoạn “sideway up”, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã bất ngờ nhấn ga tăng tốc mạnh mẽ trong phiên áp chót của tháng 2. Cổ phiếu này tăng 5,38% lên mức 30.350 đồng/cp, cao nhất trong hơn 21 tháng kể từ ngày 11/5/2022.

Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng lên mức xấp xỉ 176.500 tỷ đồng (~7,4 tỷ USD). Con số này đủ để Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lấy lại vị trí thứ 7 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất trên sàn chứng khoán từ Vingroup và chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vinhomes, ACV, PV Gas.

Đáng chú ý, giao dịch trên HPG còn đặc biệt sôi động với khối lượng giao dịch lên đến gần 87 triệu cổ phiếu (hầu hết qua kênh khớp lệnh). Đây là mức thanh khoản lớn thứ 2 trong lịch sử của HPG, chỉ sau phiên 18/11/2022 (gần 100 triệu cổ phiếu được giao dịch). Giá trị giao dịch tương ứng lên đến 2.600 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán phiên 27/2, bỏ xa phần còn lại.

Phiên giao dịch bùng nổ lên đỉnh 21 tháng của HPG có sự góp sức đáng kể đến từ khối ngoại khi mua ròng hơn 15 triệu cổ phiếu. Đây là lượng mua ròng lớn nhất trong một phiên khối ngoại thực hiện trên cổ phiếu này kể từ đầu tháng 12/2022. Giá trị giao dịch ròng tương ứng hơn 450 tỷ đồng, lớn nhất toàn sàn phiên 27/2.

Cổ phiếu HPG bất ngờ nổi sóng càng thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đến sự kiện quan trọng sắp diễn ra của Hòa Phát. Gần nhất, trong 3 ngày 26-27-28/3, tập đoàn sẽ tổ chức các buổi tham quan KLH Gang thép Hòa Phát Dung Quất cho nhà đầu tư. Thời gian đăng ký từ 9h sáng ngày 26/2 đến 17h00 ngày 27/2/2024. Theo thống kê của Bộ phận Quan hệ cổ đông (IR) của Hòa Phát, trong ngày đầu tiên đã có hơn 500 nhà đầu tư đăng ký tham gia chương trình.

Khoảng 2 tuần sau sự kiện trên, Hòa Phát dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Theo kế hoạch, Đại hội sẽ diễn ra vào sáng ngày 11/4 tại Khách sạn 5 sao Melia Hanoi (Hà Nội). Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 11/3/2024.

Đà tăng của cổ phiếu HPG được hỗ trợ bởi những chuyển biến tích cực trong tình hình hoạt động kinh doanh. Quý 4/2023, Hòa Phát đã có một quý hồi phục ấn tượng với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt là 34.400 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và 2.970 tỷ đồng (tăng 48% so với quý trước và đánh dấu kết quả kinh doanh tốt nhất trong 6 quý gần đây).

Từ các yếu tố thuận lợi của chu kỳ phục hồi mới của ngành thép và kết quả kinh doanh cải thiện dần trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của Hòa Phát có thể đạt 11.200 tỷ đồng, tương ứng tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép.

Ước tính trên dựa trên giả định rằng sản lượng thép xây dựng và HRC của Hòa Phát sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 17,8%) và 3 triệu tấn (tăng 8,3%) trong năm 2024. Ngoài ra, giá thép xây dựng và HRC bình quân dự báo sẽ tăng 3% so với mức tăng bình quân là 5% đối với quặng sắt và giá than. Biên lãi gộp của Hòa Phát dự kiến sẽ cải thiện lên 14,1% từ mức 10,9% trong năm 2023.

Về dài hạn, lợi nhuận của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025 – 2027 nhờ việc khởi công dự án Dung Quất 2 vào năm 2025 – 2026, điều này sẽ giúp sản lượng tiêu thụ HRC tăng hơn gấp đôi từ 2,8 triệu tấn trong năm 2023 lên 7,5 triệu tấn vào năm 2027. Sự thiếu hụt nguồn cung trong nước hiện tại khoảng 4 – 5 triệu tấn/năm, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu gần đây cũng sẽ giúp Hòa Phát đẩy mạnh phân khúc HRC sau khi dự án đi vào hoạt động.

Theo Đời sống Pháp luật

Xem nhiều