Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công của năm 2025 và tổng kế hoạch vốn sẽ cần phải giải ngân rơi vào khoảng 87.000 tỷ đồng.
Cao tốc Bắc-Nam đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn đang bước vào những giai đoạn cuối – Ảnh: Báo Giao thông
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ GTVT chiều 12/12, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 56.666 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, Bộ được bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm nay của cả ngành giao thông là 75.481 tỷ đồng.
11 tháng giải ngân đạt 70% kế hoạch cả năm
Tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 75%). Tuy nhiên, con số này vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (ở mức 60,4%).
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Chính phủ (tối thiểu 95%) trong 2 tháng còn lại của năm 2024, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Cơ quan này nhận định “đây là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan thuộc bộ”.
Theo ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư, tình hình giải ngân các Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, trong thời gian tới, các chủ đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục bổ sung (hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí…), phấn đấu triển khai trong tháng 12/2024 làm cơ sở để giải ngân; hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2024.
Với Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và một số tuyến cao tốc trục ngang đang triển khai thi công (Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuật, …), Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với địa phương sớm xử lý dứt điểm các nơi còn vướng giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu cho các dự án; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng để giải ngân số vốn được giao.
Đối với các dự án có nguồn vốn được kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 (giá trị 3.370 tỷ đồng của 13 dự án), các chủ đầu tư/ban quản lý dự án tập trung triển khai, ưu tiên giải ngân hết kế hoạch vốn được kéo dài theo quy định (đến nay mới giải ngân được khoảng 1.360/3.370 tỷ đồng, đạt 40%).
Với các dự án chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT khẳng định sẽ quyết liệt đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí, đặc biệt tại các dự án sử dụng nguồn vượt thu 2022 có tiến độ yêu cầu gấp, giá trị vốn được giao năm 2024 lớn như: cầu Cẩm Lý, cầu hầm trên Quốc lộ 1 (Ban Quản lý dự án Đường sắt), cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn (Ban Quản lý dự án 2), tuyến nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với Tuyên Quang-Phú Thọ (Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ).
Tổng số vốn được giao trong năm 2025 hơn 87.000 tỷ đồng
Ngày 6/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1523/QĐ-TTg giao chi tiết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, trong đó Bộ GTVT được giao 71.135 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn vượt thu các năm 2021, 2022, 2023 thì tổng kế hoạch vốn năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng).
Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, là năm cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường bộ cao tốc, cũng như cần chuẩn bị đầu tư một số dự án có quy mô rất lớn, tiến độ rất gấp (dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc) trong điều kiện sẽ có nhiều thay đổi về bộ máy, cơ cấu, tổ chức.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2025, Vụ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT giao kế hoạch năm 2025 cho các dự án trước ngày 31/12/2025. Các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo bộ trước ngày 31/1/2025 làm cơ sở cơ sở điều hành, đánh giá kết quả thực hiện.
Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong năm 2025
Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Vụ Kế hoạch đầu tư đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt sớm triển khai các công việc liên quan đến lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải triển khai hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt; đề án phát triển công nghiệp đường sắt.
Đối với tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD, thông thường thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 3-4 năm, tuy nhiên, Vụ Kế hoạch đầu tư cũng nhận định, thực chiện theo yêu cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cần khởi công dự án vào năm 2025 là thách thức rất lớn.
Do đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt khẩn trương trình Bộ GTVT hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan; phối hợp triển khai các thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 28/2/2025; hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.
Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Ban Quản lý dự án Đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư dự án báo cáo Bộ trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 3/2025.
Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng khác như: TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận; TPHCM-Long Thành, Hà Nội-Yên Viên-Phả Lại-Cái Lân,… và các tuyến đường bộ cao tốc sẽ triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026-2030; phối hợp xử lý các dự án dừng, chậm tiến độ để phòng chống lãng phí.
Theo Vietstock