Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Cách “vạch đích” 222.000 tỷ đồng, áp lực thu ngân sách dồn về cuối năm

Từ nay đến hết năm, cả nước phải thu thêm 222.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao, trong khi cả ba khoản thu chính đều tụt dốc…

Cả ba khoản thu chính đều giảm sút khiến tổng thu ngân sách nhà nước mới đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 10/2023 ước đạt 169,5 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp đôi nhiều tháng trước đó, khi tháng 9 chỉ thu đạt 89,6 nghìn tỷ đồng và tháng 8 với 88,1 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, luỹ kế 10 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước mới đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn lại cùng kỳ năm trước, trong khi công tác thu ngân sách thong dong cuối năm vì đã cán đích ngoạn mục chỉ sau 10 tháng thì năm nay, thách thức lại đổ dồn cuối năm vì mục tiêu khá xa.

BA KHOẢN THU TRỤ CỘT TỤT DỐC

Trong tháng 10/2023, một số khoản thu chính như sau: thu nội địa tháng 10/2023 ước đạt 145,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán năm và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 10/2023 ước đạt 5,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 51,4 nghìn tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán năm và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10/2023 ước đạt 18,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 188,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán năm và giảm mạnh nhất 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về những khó khăn trong công tác thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng năm 2023, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các nguồn thu đều sụt giảm so với năm ngoái, khiến công tác thu ngân sách nhà nước năm nay đối mặt nhiều khó khăn, chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó. Quan ngại nhất là hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng so với năm ngoái dẫn đến giảm thu. 

Dù kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 557,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%. Do kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn, trong đó, nhiều nhóm hàng nhập khẩu chủ lực có thuế giảm mạnh dẫn đến thu ngân sách ngành hải quan quản lý khó khởi sắc.

Nhìn nhận thực chất hơn về sức khoẻ doanh nghiệp, chia sẻ gần đây, ông Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng các số liệu bao gồm: một là thành lập mới, hai là giải thể, phá sản, rút khỏi thị trường, ba là quy mô vốn và bốn là tỷ lệ lao động, mới chỉ là những con số cơ học, điều quan trọng hơn là nhìn nhận thực chất về chất lượng doanh nghiệp.

Do đó, phải xem xét cụ thể doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu, có bao nhiêu lao động và đặc biệt là trong số doanh nghiệp, phải phân chia ra có những doanh nghiệp rất mới, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… để nhận thấy khó khăn của doanh nghiệp, từ đó, có những chính sách, hỗ trợ phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.

Cũng theo ông An, năm khó khăn hiện doanh nghiệp phải đối mặt đó là nhu cầu thị trường trong nước thấp, khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhu cầu của thị trường quốc tế thấp và khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn cao. Đây là những vấn đề đã kéo dài từ vài năm trở lại đây. Nếu cứ nêu ra nhưng không có những giải pháp thực sự trực tiếp và cụ thể thì sẽ rất khó để hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mức giảm thu nội địa gần 6% so với cùng kỳ không chỉ thể hiện khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà tăng trưởng từ tiêu dùng của dân cư cũng không như kỳ vọng.

Bởi sau 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dù vẫn duy trì đà tăng hơn 9% nhưng tốc độ tăng trưởng lại giảm tốc dần mỗi tháng và so với cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ấn tượng 19,5% thì lại càng thấy đìu hiu.

Ngoài ra, nguồn thu từ dầu thu năm nay cũng giảm so với cùng kỳ 20% mặc dù 10 tháng đã về đích và vượt dự toán. 

NỖ LỰC CHẠY NƯỚC RÚT

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong khi thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 ước giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước thì chi ngân sách nhà nước tăng 11,4% so với cùng kỳ, nhằm đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 10/2023 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 ước đạt 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 10 tháng năm 2023 đạt 873,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi đầu tư phát triển đạt 401,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3% và tăng mạnh 35%. Chi trả nợ lãi 80 nghìn tỷ đồng, bằng 77,8% và tăng 3,3%.

Trong chặng nước rút cuối năm, nhiều địa phương đang nỗ lực thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất, bởi khoản thu quan trọng này sụt giảm tại nhiều tỉnh, thành đạt thấp do thị trường bất động sản hạ nhiệt, số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất thấp hơn so với những năm trước.

Chẳng hạn, Uỷ ban nhân dân Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ đấu giá 11 khu đất có số thu lớn và tính tiền sử dụng đất đối với 5 dự án để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu giao trong năm là 15.200 tỷ đồng.

Yên Bái cũng triển khai đấu giá dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm A và dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm B; dự án Xây dựng khu đô thị mới khu vực cầu Bảo Lương; quỹ đất khu 3, điểm 3C, xã Văn Phú… 

Bên cạnh đó, các đơn vị đều đang nỗ lực tìm các khoản thu khác để bù đắp cho khoản hụt thu từ tiền sử dụng đất và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách…

Với cách nhìn lạc quan, một số chuyên gia cho rằng, vẫn còn hai tháng nữa để về đích, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 vẫn trong khả năng và thậm chí có thể vượt dự toán một chút.

Theo đó, bước sang năm 2024, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn được Quốc hội, Chính phủ giao tăng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm nay theo thông lệ chung nhưng khả năng thu đạt dự toán vẫn có thể đạt được bởi một số tín hiệu tích cực thời gian gần đây.

Đó là, thời điểm tháng 10, hoạt động xuất nhập khẩu đang lấy lại nhịp tăng trưởng, đặc biệt, một số mặt hàng chủ lực có dấu hiệu khởi sắc, tình hình sản xuất kinh doanh thoát đáy như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nhiều đến kết quả xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, mặt hàng dệt may, da giày dù trong năm 2023 lao đao vì không có đơn hàng nhưng cũng có những bước phục hồi thời gian gần đây khi doanh nghiệp trong ngành tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như giữ vững được thị trường truyền thống.

Tổng hợp từ VnEconomy

Xem nhiều