Chiều 27/11, Chính phủ trình Quốc hội việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó nêu rõ sự cần thiết phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Quốc hội
Phát triển nguồn điện hạt nhân giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện
Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Quy hoạch điện VIII cho thấy, tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80GW tăng lên 150GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 490-573GW vào năm 2050.
Vì thế, phát triển nguồn điện cần đáp ứng mục tiêu kép: Vừa phải đầu tư xây dựng các nguồn điện mới để cung cấp đủ điện, vừa phải chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch.
Việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam là cần thiết, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa là nguồn điện xanh và bền vững.
Trước đó, chủ trương đầu tư các dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án.
EVN đã hợp tác với phía Nga (Dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (Dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Tư vấn của Nga và Nhật Bản đã hoàn thành khảo sát, lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án để EVN trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, các địa điểm này đã được tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Chính phủ cho hay, sau khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dừng, các địa điểm này đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương tái khởi động từ cấp có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc sử dụng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là phát triển điện hạt nhân phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông Huy cho biết, ngày 25/11/2009, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. 7 năm sau, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trước bối cảnh nền kinh tế – xã hội toàn cầu có nhiều biến động; nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cấp thiết.
Việc này cũng bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Cơ quan thẩm tra kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tờ trình của Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.
Ông Huy cũng đề nghị Chính phủ cũng cần nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân. Trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Theo Vietstock