Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm sâu trong ngày 17/01 sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý 4/2023 không đạt kỳ vọng.
Trong ngày 17/01, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 3.68% xuống 15,282.32 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
Còn chỉ số CSI 300 của Trung Quốc rơi xuống gần đáy 5 năm sau khi công bố tăng trưởng GDP quý 4/2023 không đạt kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số này giảm 2.18% xuống 3,229.08 điểm.
Trong quý 4/2023, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.2%, thấp hơn kỳ vọng tăng 5.3% từ các chuyên gia kinh tế. Như vậy, cả năm 2023, kinh tế của đất nước tỷ dân tăng trưởng 5.2%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 2.47% và khép phiên ở mức 2,435.9 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 14/11/2023, còn chỉ số Kosdaq lùi 2.25% xuống 833.05 điểm. Ở Australia, chỉ số ASX 200 giảm 0.29% xuống 7,393.1 điểm, đánh dấu 4 phiên giảm liên tiếp.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chạm đỉnh 33 năm trong ngày 15/01. Chỉ số giảm 0.4% xuống 35,477.75 điểm.
Đêm qua, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều nhuốm sắc đỏ, khi lợi suất trái phiếu tăng cao và Phố Wall đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 mới nhất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/01, chỉ số Dow Jones giảm 231.86 điểm (tương đương 0.62%) xuống 37,361.12 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.37% còn 4,765.98 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.19% xuống 14,944.35 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 11 điểm cơ bản lên 4.064% sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, cho biết rằng ngân hàng trung ương có thể nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với dự báo của Phố Wall.
Thống đốc Fed: NHTW không vội giảm lãi suất, cần chờ xem dữ liệu thế nào
“Miễn là lạm phát không tăng tốc trở lại, tôi tin FOMC sẽ giảm lãi suất trong năm nay”, ông Waller chia sẻ trong sự kiện do Viện Brookings tổ chức trong ngày 16/01. “Khi đến thời điểm hợp lý, tôi nghĩ Fed có thể và nên giảm lãi suất một cách thận trọng và bài bản”.
Vị Thống đốc Fed đã cung cấp một vài thông tin chi tiết về kế hoạch nới lỏng tiền tệ trong năm 2024. Dù tỏ ra cởi mở với việc giảm lãi suất, nhưng các nhận định của ông cho thấy Fed sẽ không vội giảm lãi suất và có thể không cắt giảm nhiều như kỳ vọng của thị trường. Hiện thị trường kỳ vọng Fed có thể giảm lãi suất 6 đợt trong năm 2024, với mỗi đợt hạ 25 điểm cơ bản.
“Trong bối cảnh hoạt động kinh tế và thị trường lao động vẫn còn ổn, còn lạm phát hạ nhiệt dần về 2%, tôi nghĩ không có lý do phải hành động nhanh chóng hay phải giảm lãi suất nhanh như trong quá khứ”, Waller chia sẻ. Ý ông muốn nói tới các cú sốc kinh tế trước đó đã khiến Fed phải gấp rút giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Ông cho biết thời điểm giảm lãi suất và mức độ “sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới”.
Các nhận định của ông Waller cho thấy Fed đang tìm điểm cân bằng giữa hai rủi ro thắt chặt quá lâu và nới lỏng quá sớm. Vị Thống đốc lưu ý Fed cần phải thấy sự hạ nhiệt của tiêu dùng, việc làm và lạm phát hàng tháng trước khi hạ lãi suất.
Thống đốc Waller cho biết Fed đang rất gần với mục tiêu lạm phát 2%, nhưng “tôi sẽ cần thêm dữ liệu trong vài tháng tới để xác nhận lạm phát có đang hướng tới mục tiêu của Fed hay không”.
“Nếu nhận thấy lạm phát tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, chúng tôi có thể dần dần triển khai hạ lãi suất”, ông nói. “Nếu chúng tôi nghĩ cần phải hành động nhanh chóng, thì chúng tôi sẽ làm vậy, điều này tùy thuộc vào dữ liệu. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng tôi có sự linh hoạt để có thể điều chỉnh chính sách một cách bài bản và thận trọng”.
Ông nói thêm khi Fed tự tin lạm phát đang rất gần với mục tiêu 2%, các quan chức có thể “bắt đầu nghĩ về mức độ giảm lãi suất, nhịp độ giảm thế nào”.
Về quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán, ông Waller cho biết Fed có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện cắt giảm chậm lại “trong năm nay”.
Theo CNBC