Áp lực bán tháo lan rộng trên thị trường tài chính trước lo ngại về khả năng thời kỳ lãi suất cao sẽ kéo dài hơn khi lạm phát chưa hạ nhiệt.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên 13/2 mất 524,63 điểm (1,35%), đóng cửa ở mức 38.272,75 – phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023. Chỉ số trước đó có thời điểm giảm hơn 750 điểm, tương đương 1,95%.
S&P 500 cũng đóng cửa trong sắc đỏ, mất 1,37% xuống 4.953,17 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 1,8% xuống mức 15.655 điểm. Russell 2000 cũng bị ảnh hưởng mạnh, giảm gần 4% – đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022.
Vàng và tiền số cũng chung diễn biến. Kim loại quý bị bán tháo mạnh do hiệu ứng tâm lý của nhà đầu tư. Hợp đồng vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,64%. Trên thị trường tiền số, Bitcoin – đồng tiền số vốn hóa lớn nhất thị trường – giảm gần 3%, từ mức hơn 50.000 USD xuống 48.600 USD chỉ trong vài phút sau khi tin CPI được công bố. Đến đầu giờ sáng nay, giá Bitcoin tăng trở lại ngưỡng 49.000 USD.
Các cổ phiếu trong mảng tiền điện tử được niêm yết tại Mỹ cũng giảm mạnh khi thị trường mở cửa, nhưng thu hẹp một phần khoản lỗ vào cuối phiên. Cổ phiếu của Coinbase và MicroStrategy giảm khoảng 3% so với phiên hôm qua, trong khi các công ty khai thác Bitcoin lớn như Marathon và Riot Platforms mất lần lượt 5% và 2%.
Khả năng cắt giảm lãi suất sớm thấp hơn tạo áp lực lên thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đã tăng trên 4,66%, còn kỳ hạn 10 năm đạt mức 4,32% sau dữ liệu CPI được công bố. Các cổ phiếu công nghệ, vốn thúc đẩy thị trường đạt mức cao kỷ lục trước đó, dẫn đầu mức giảm trong phiên giao dịch. Microsoft và Amazon mất hơn 2%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 12 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cao hơn dự báo từ những nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò – tăng 0,2% so với tháng trước và 2,9% so với một năm trước đó.
CPI cơ bản, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,4% so với tháng trước và 3,9% so với một năm trước. Dự báo được đưa ra trước đó là 0,3% và 3,7%.
“Đây không phải báo cáo lạm phát mà Fed muốn thấy và thị trường đã phản ứng tương ứng”, Craig Erlam, nhà phân tích tại nền tảng môi giới trực tuyến OANDA, cho biết trong một báo cáo ngắn hôm 13/2.
Chuyên gia này cho biết các nhà giao dịch hiện chỉ dự báo Fed có thể giảm lãi suất khoảng 75 điểm cơ bản trong năm nay, giảm đáng kể so với dự báo 175 điểm cơ bản trong tháng trước, cho thấy lo ngại về lạm phát có thể đã trở nên quá bi quan.
Erlam cũng lưu ý rằng số liệu CPI không tích cực đến vào thời điểm không may đối với Bitcoin và xóa đi thành quả đợt tăng giá của nó ngay khi vừa vượt qua mức 50.000 USD vào đầu tuần. “Chúng ta vẫn thấy tiến bộ đáng kể về lạm phát và tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa trong những tháng tới”, Erlam nói.
“Chỉ số CPI chỉ cao hơn một chút so với kỳ vọng và là bằng chứng tích cực cho thấy chúng ta không đi theo con đường tuyến tính mà đang từ từ giảm dần”, Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nhận định.
Theo CME FedWatch Tool, chỉ còn 34% nhà đầu tư trên thị trường cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5, giảm từ mức 52% một ngày trước.
Theo vnexpress.net