Đây sẽ là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn siêu dài và được xem là loại trái phiếu “hiếm”, bởi trong 26 năm qua Trung Quốc mới chỉ có 3 lần phát hành…
Ảnh minh họa: Bloomberg
Theo nguồn tin thân cận của hãng tin Bloomberg, Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc phát hành trái phiếu đặc biệt với quy mô 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) để sử dụng cho các chương trình kích thích vực dậy nền kinh tế. Nếu được thực hiện, đây mới là lần phát hành trái phiếu đặc biệt thứ 4 của Bắc Kinh trong 26 năm qua.
Nguồn tin cho biết đề xuất phát hành trái phiếu trên vẫn đang được các nhà hoạch định chính sách cấp cao thảo luận. Đây sẽ là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn siêu dài và nguồn tiền huy động được sẽ dùng cho các dự án liên quan tới lương thực, năng lượng, chuỗi cung ứng, đô thị hóa.
Đây được xem là loại trái phiếu “hiếm”, bởi trong 26 năm qua Trung Quốc mới chỉ có 3 lần phát hành. Một lần là vào khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, khi Bắc Kinh phát hành trái phiếu đặc biệt để bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Lần gần nhất là vào năm 2020, khi nước này phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu loại này để chi trả cho các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19.
Việc cân nhắc phát hành trái phiếu “hiếm” diễn ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang ở trong tình trạng ngân sách đầy bấp bênh với khối nợ khổng lồ, còn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi chậm. Áp lực giảm phát dai dẳng, khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng nội địa suy giảm là những yếu tố đang kìm hãm các hoạt động kinh tế, làm xói mòn niềm tin. Giới kinh tế và đầu tư đều đang kêu gọi Chính phủ có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.
Năm 2023, Chính phủ Trung Quốc cũng có động thái ít thấy là nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách cả năm lên khoảng 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Động thái này mở đường cho việc phát hành thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, đề xuất lần này là phát hành trái phiếu đặc biệt – loại trái phiếu mà trong các lần phát hành trước đây được tính vào ngân sách thông thường và không góp phần gây ra thâm hụt ngân sách.
Còn kỳ hạn siêu dài của trái phiếu đặc biệt đồng nghĩa chính phủ sẽ trả lãi và gốc trong vài thập kỷ, nhờ đó giảm áp lực thanh toán trong ngắn hạn. Điều này ngược lại với loại trái phiếu được phát hành vào tháng 10 năm ngoái với kỳ hạn trong vài năm hoặc dài nhất là 10 năm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn siêu dài là vẫn chưa đủ để giúp Trung Quốc giải quyết các vấn đề hiện tại.
“Trái phiếu kỳ hạn siêu dài có thể vẫn không giải quyết được tất cả những thách thức về tài khóa của Trung Quốc”, các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. nói trong một báo cáo nghiên cứu ngày 16/1 và nhận định đợt phát hành trái phiếu đặc biệt của Trung Quốc có thể là một công cụ để nới lỏng tài khóa trong năm 2024.
“Chúng tôi tin rằng hỗ trợ tài khóa của Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong năm nay, nhưng phải nhìn nhận rằng những bất ổn xoay quanh việc phát hành kết hợp nhiều loại trái phiếu vẫn ở phía trước”, nhóm nhà kinh tế nói.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết đợt phát hành trái phiếu đặc biệt dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm nay. Khoảng 50% số tiền huy động huy động từ đợt phát hành trái phiếu tháng 10 năm ngoái hiện vẫn đang được lên kế hoạch để sử dụng trong đầu năm nay.
Các nhà kinh tế dự báo thâm hụt ngân sách năm 2024 của Trung Quốc có thể sẽ bằng hoặc lớn hơn một chút so với năm ngoái, khoảng 8.700 tỷ nhân dân tệ. Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí vào đầu tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Trung Quốc đang “ở mức hợp lý”. Ông cho biết thêm rằng các nhà chức trách đã “tăng chi tiêu một cách hợp lý và đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời dành dư địa để giải quyết những rủi ro và thách thức tiềm ẩn trong tương lai”.
Theo vneconomy.vn