Nhờ hoạt động tích cực của Tổ công tác, cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp…, đến nay cả nước đã xử lý được vướng mắc, khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở…
Ảnh minh hoạ
Ngày 11/3, cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, nhằm rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản).
Báo cáo tại cuộc họp, Thường trực Tổ công tác của Chính phủ cho biết với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.
TP. HCM CÒN 143 DỰ ÁN, HÀ NỘI CÒN 246 ĐANG ĐƯỢC THÁO GỠ
“Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ. Tuy nhiên, các luật chưa có hiệu lực thi hành, dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay”, Tổ công tác đánh giá.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn. Việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét, chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để.
Đồng thời, cũng còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật. Có thể liệt kê ra các khó khăn thường gặp như: Tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; Chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai; Chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…; Chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.
Thông tin cụ thể về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn của Tổ công tác đối với một số địa phương, doanh nghiệp, đại diện Tổ công tác chia sẻ: TP. Hồ Chí Minh đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; đã triển khai giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất sản TP. HCM tổng hợp kiến nghị. Tại thời điểm này, Tổ công tác vẫn đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án, trong đó có 39 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM.
Tại Hà Nội, qua rà soát 404 dự án có vướng mắc, Thành phố đã phân loại, giải quyết theo hướng: 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án (đã có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan) tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.
“Giữa năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết trong cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng mắc”, chủ yếu là “vướng mắc pháp lý”, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có hơn 148 dự án bị “vướng mắc pháp lý” không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.”
Thành phố Hải Phòng cũng đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 04/15 dự án còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định.
Cần Thơ đã giải quyết được 17 dự án, trong đó, 05 dự án đã được thu hồi; 12 dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đang tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án. Trong đó, có 22 dự án có khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 08 dự án có khó khăn về xác định giá thu tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất; 03 dự án có khó khăn về thủ tục giao đất; 01 dự án có khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Thành phố đã đang xin ý kiến giải quyết.
Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với 26 dự án (gồm 19 dự án khu đô thị; 07 dự án nhà ở xã hội) và đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng đã làm việc trực tiếp tại Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, đến nay, Tổ công tác, Bộ Xây dựng, chưa nhận được báo cáo kết quả giải quyết cụ thể của các địa phương này.
TỪ 01/01/2025, VẪN CÒN KHOẢNG 15% TỔNG SỐ DỰ ÁN VƯỚNG MẮC VỀ ĐẤT
Nhận định về các kết quả đã đạt được trong công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), đánh giá cao hiệu quả của Tổ công tác. Theo lãnh đạo HoREA, nhờ có hoạt động tích cực của Tổ công tác của Chính phủ và nhất là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của các địa phương, cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, các “trái chủ”, đến nay, cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở. Riêng TP. HCM đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc.
Tuy vậy, kể từ ngày 01/01/2025 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) sẽ vẫn còn khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại chỉ có “đất khác không phải là đất ở”, hầu hết là các dự án có quy mô diện tích lớn hoặc rất lớn, thuộc trường hợp “đang có quyền sử dụng đất” đối với “đất khác không phải là đất ở”, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Do đó, HoREA đề nghị trong “Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật” bổ sung quy định các trường hợp được phép thí điểm này thì nhà đầu tư được phép “chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”. Bởi lẽ điểm b khoản 3 đan Điều 122 Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác”, chưa quy định trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở”.
Hiệp hội cũng kiến nghị các địa phương xem xét giải quyết cho phép chủ đầu tư được tiếp tục huy động vốn đối với 30-50% sản phẩm nhà ở còn lại của dự án, trừ phần diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ cho đến khi chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.
Theo Fireant