DOC cáo buộc dây cáp nhôm hoàn thiện tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc như dây cáp bện hoặc dây cáp nhôm chưa hoàn thiện, không có sự chuyển đổi đáng kể, thuộc phạm vi hoặc lẩn tránh lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
Ảnh minh họa
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tự khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm dây cáp nhôm từ Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc..
Sản phẩm bị điều tra là dây cáp nhôm có mã HS 8544.49.9000, 8544.42.9090. DOC cáo buộc dây cáp nhôm hoàn thiện tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc như dây cáp bện hoặc dây cáp nhôm chưa hoàn thiện, không có sự chuyển đổi đáng kể, thuộc phạm vi hoặc lẩn tránh lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
Trước đó, ngày 23 tháng 12 năm 2019, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 58,51% đến 63,47%, mức thuế chống trợ cấp là từ 33,44% đến 165,63%.
Trong mô tả hàng hóa là đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với Trung Quốc, dây cáp nhôm được lắp ráp từ một hoặc nhiều dây dẫn điện từ hợp kim nhôm 8000, 1350, 6201 cùng với các điều kiện: ít nhất một trong các dây dẫn được cách điện; mỗi dây dẫn có định mức điện áp lớn hơn 80 vôn và không vượt quá 1000 vôn; và ít nhất một dây dẫn là dây bện và có kích thước không nhỏ hơn 16.5 kcmil và không lớn hơn 1000 kcmil.
Quy trình lắp ráp có thể: bao gồm một dây nối tiếp đất hoặc dây trung tính, được phủ bằng nhôm, thép hoặc kim loại cơ bản khác; hoặc bao gồm một dây thép hỗ trợ trung tâm, một hoặc nhiều đầu nối, tấm chắn, tấm phủ hoặc các vật liệu che và độn khác, nằm trong phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Theo quy định của Hoa Kỳ, khi xác định một sản phẩm có nằm trong phạm vi của một lệnh áp thuế hay không, DOC thường sẽ xem xét các nguồn diễn giải chính: mô tả hàng hóa trong vụ việc điều tra gốc; các quyết định liên quan của DOC; các quyết định của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) liên quan đến lệnh áp thuế gốc.
Bên cạnh đó, DOC cũng có thể xem xét các tài liệu diễn giải thứ cấp, chẳng hạn như các quyết định khác của DOC hoặc ITC, các phán quyết hoặc quyết định của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), cách sử dụng trong ngành, từ điển, và bất kỳ bằng chứng hồ sơ có liên quan nào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp các diễn giải có sự khác biệt thì nguồn diễn giải chính sẽ được áp dụng.
Theo quy định hiện hành của Hoa Kỳ, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày (có thể gia hạn thêm 180 ngày). Trong quá trình điều tra, DOC có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho việc xem xét, gửi bản câu hỏi và thẩm tra tại chỗ doanh nghiệp nếu cần thiết.
Đối với điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, theo quy định của Hoa Kỳ, để xem xét hình thức lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại không có sự chuyển đổi đáng kể đối với hàng hoá, DOC sẽ xem xét 5 yếu tố: Mức độ đầu tư tại Việt Nam; mức độ nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; bản chất của quá trình sản xuất tại Việt Nam; quy mô cơ sở sản xuất tại Việt Nam; giá trị gia tăng tại Việt Nam chiếm tỷ lệ như thế nào trong giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Ngoài ra, DOC cũng sẽ xem xét thêm các yếu tố: Mô hình thương mại, nguồn cung ứng nguyên vật liệu; liệu nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc có liên kết với nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sử dụng hàng hóa để lắp ráp hoàn thiện thành hàng hóa xuất sang Hoa Kỳ hay không; nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam có tăng sau khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra, áp thuế với Trung Quốc hay không.
Theo quy định hiện hành của Hoa Kỳ, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 300 ngày (có thể gia hạn thêm 65 ngày). Trong quá trình điều tra, DOC có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho việc xem xét, chọn bị đơn bắt buộc hoặc không, gửi bản câu hỏi và thẩm tra tại chỗ doanh nghiệp nếu cần thiết, tổ chức phiên tham vấn công khai.
Do đó, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cần rà soát hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ.
Nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ. Thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Chủ động đăng ký tài khoản tại Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của DOC – ACCESS (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc. Theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Cục, chú trọng đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm nhôm phức tạp, chất lượng cao có giá trị gia tăng lớn; hướng tới chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất, hạn chế việc quá phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu, để tránh bị ảnh hưởng bởi các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế trong tương lai.
Nguồn: vneconomy.vn