Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Hoàn thành hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản vào năm 2025

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 179/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Quyết định số 179/QĐ-TTg đặt mục tiêu dến năm 2030, khoảng 350.000 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ nhà ở (ảnh minh họa)

Quyết định 179 nêu rõ, định hướng đến năm 2045, ngành Xây dựng bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển ngành vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Đồng thời, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển đô thị. Phát triển nhà ở đáp ứng đủ theo nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân; thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, minh bạch.

Đến năm 2030, khoảng 350.000 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ nhà ở

Quyết định nêu rõ các chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực. Trong đó, đối với lĩnh vực nhà ở, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85% – 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75% – 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho khoảng 350.000 hộ nghèo (tại khu vực nông thôn khó khăn về nhà ở; hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; hộ nghèo dân tộc miền núi) và khoảng 162.000 hộ người có công cần hỗ trợ nhà ở.

Đối với lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản, khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai, khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển đa dạng các loại bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm cân đối cung – cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn.

Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, các công trình sản xuất, kinh doanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị.

Đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc hoàn thành rà soát, cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến phát triển và khu vực dự kiến thành lập mới đơn vị hành chính đô thị (quận, phường).

Mặt khác, quy hoạch xây dựng nông thôn: rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã để thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 là ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Mục tiêu đến năm 2025, các đô thị hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030, 80% các đô thị và điểm dân cư nông thôn có Quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt, ban hành.

Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 -1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 – 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, nâng cao năng lực xây dựng, làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu dưới 30 m, chiều cao trên 150 m…). Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của ngành Xây dựng. Thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản lý, quản trị doanh nghiệp; cải thiện tích cực tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng ngành.

Huy động tối đa các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Phấn đấu tốc độ tăng bình quân về giá trị sản xuất xây dựng: 8 – 10%/năm. Phấn đấu mức độ tăng năng suất lao động ngành xây dựng giai đoạn 2021 – 2025 đạt mức bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt mức bình quân là 10%/năm.

Tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án và nhà ở chung cư

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Quyết định đã đưa ra 16 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, công cụ quản lý trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, phù hợp với cơ chế thị trường, thực tiễn của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, đổi mới phương pháp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị – nông thôn, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản kiến trúc dân tộc.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị hiệu quả, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn.

Thứ tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng, gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ năm, giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho người dân, mở rộng các loại hình nhà ở, có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, Quyết định nêu rõ cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong quản lý phát triển nhà ở, điều tiết đảm bảo cân đối cung – cầu nhà ở.

Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình nhà ở; tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án và nhà ở chung cư; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp theo hướng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; tạo nguồn vốn cho các đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay ưu đãi, dài hạn để có chỗ ở ổn định.

Thứ sáu, tăng cường quản lý để thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch thông tin, phù hợp quy luật cung cầu. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, đến năm 2025 hoàn thành Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí về bất động sản để khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.

Thứ bảy, huy động tối đa các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng.

Thứ tám, từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Thứ chín, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng.

Thứ mười, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra là các giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tác động của dịch bệnh; phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp ngành Xây dựng; hoàn thành sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực ngành; tập trung phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; và tăng cường công tác thông tin, truyền thông.

Theo Fireant.vn

Xem nhiều