Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Huy động gần 14 triệu tỷ đồng: Ngân hàng sẵn nguồn cho vay, doanh nghiệp vẫn “tắc”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sau 3 tháng đầu năm 2024, tổng huy động vốn của nền kinh tế đạt 13,73 triệu tỷ đồng, sẵn sàng nguồn vốn cho bất kỳ nhu cầu vay vốn nào.

Vướng mắc của việc khơi thông nguồn vốn nằm ở nhu cầu vay vốn chưa được cải thiện

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm hiện nay, hoạt động hỗ trợ nền kinh tế đã được ngành Ngân hàng triển khai rất quyết liệt với nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi.

NHNN và hệ thống các NHTM đã đưa ra nhiều gói tín dụng vừa khuyến khích vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 tỷ đồng cho vay thủy sản, lâm nghiệp…

Về lãi suất, Phó Thống đốc thông tin, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại các tháng gần đây cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản, thậm chí là dư giả. Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã sử dụng các công cụ chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn, hướng tới mục tiêu dài hạn là phát triển nền kinh tế.

NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để hỗ trợ hoạt động cho vay tín dụng, vừa giúp các ngân hàng tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho vay, đồng thời giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn nhanh chóng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào 30/6 nhằm tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dù nguồn vốn dồi dào, lãi suất đặc biệt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác từ NHNN, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn.

Phó Thống đốc nhận định, bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp khơi thông nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn.

Image 238

Huy động gần 14 triệu tỷ đồng, sẵn sàng vốn cho nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hồ Chí Minh, cho rằng vướng mắc của việc khơi thông nguồn vốn nằm ở nhu cầu vay vốn chưa được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh do tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chậm, dẫn đến nhu cầu vay ngân hàng cũng giảm theo. Ông Tuệ đề xuất cần có sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy nhu cầu vay vốn tín dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, hiện nay nếu kinh doanh tốt, có dòng vốn luân chuyển tốt, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lưu động từ ngân hàng.

“Các ngân hàng đang muốn cho doanh nghiệp vay, thậm chí “năn nỉ” cho vay nhưng doanh nghiệp lại đặt vấn đề “vay để làm gì”. Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn vay xây nhà máy, nhưng các thủ tục về đất đai chưa giải quyết xong cũng rất khó để đi vay vốn” – ông Hòa nói.

Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, hiện nay đối với những doanh nghiệp có dòng tiền tốt, tài chính lành mạnh các NHTM, việc tiếp cận vốn vay khá dễ dàng, lãi suất vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6-7%/năm. “Tuy nhiên nhu cầu vay cũng chưa nhiều và các gói vay ưu đãi thường có ít doanh nghiệp tiếp cận được” – bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Vasep cho biết.

Vốn cho doanh nghiệp luôn là vấn đề “nóng”

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, vấn đề về vốn cho doanh nghiệp luôn là vấn đề “nóng”, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. NHNN với tư cách là cơ quan quản lý, có trách nhiệm và chức năng điều hành chính sách tiền tệ, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Phó Thống đốc cho biết, sau ba tháng đầu năm 2024, tổng huy động vốn của nền kinh tế đạt 13,73 triệu tỷ đồng, sẵn sàng nguồn vốn cho bất kỳ nhu cầu vay vốn nào.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc tìm kiếm giải pháp khơi thông nguồn vốn là cần thiết, nhưng không thể hạ chuẩn quy định về điều kiện hỗ trợ tín dụng; không vốn ồ ạt đẩy mạnh tín dụng, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế chung của đất nước.

NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu giảm lãi suất, tuy nhiên, chính sách về lãi suất phải được tính toán hài hòa trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngành ngân hàng.

NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất những chính sách mới để ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ của NHNN để ổn định tỷ giá, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng. Các NHNN chi nhánh cần chủ động đề xuất, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hội thảo để lắng nghe, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy vay vốn tín dụng.

Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM cần có trách nhiệm chia sẻ với nền kinh tế, với khách hàng, doanh nghiệp, tiếp tục khắc phục các rào cản liên quan đến hành chính như thủ tục, thời gian, quy trình,… để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng…

Theo Fireant

Xem nhiều