Năm 2025, KTNN sẽ thực hiện 116 nhiệm vụ kiểm toán, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 1975/QĐ-KTNN ngày 11/12/2024 về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, KTNN sẽ thực hiện 116 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 05 nhiệm vụ so với năm 2024.
Cụ thể, KTNN sẽ thực hiện: Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2024; Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 tại 27 bộ, cơ quan Trung ương gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Ủy Ban Dân tộc; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Thanh tra Chính phủ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Xây dựng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN; Liên minh hợp tác xã VN; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 tại 10 bộ, cơ quan Trung ương gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao.
Bên cạnh đó, KTNN thực hiện: Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024 tại 35 tỉnh/thành phố; Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2024 tại 04 tỉnh/thành phố; Kiểm toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024 tại 22 tỉnh/thành phố; trình ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026.
Ngoài ra, KTNN thực hiện 06 cuộc kiểm toán hoạt động với các chủ đề liên quan đến: Công tác quản lý chất thải y tế các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2022-2024; Hoạt động quản lý môi trường tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của tỉnh Hải Dương, Phú Thọ giai đoạn 2022 – 2024; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ; Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Sơn La; Công tác quản lý, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ giai đoạn 2023-2024 tại Bộ Giao thông vận tải; Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La (Đề án 666) tại tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
KTNN thực hiện 23 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, như: Chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024” tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương; Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021” tại các bộ, cơ quan trung ương và doanh nghiệp; Chuyên đề “Công tác kiểm tra, thanh tra thuế giai đoạn 2022-2024 tại Tổng cục Thuế và các địa phương”; Chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương; Chuyên đề “Việc đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT phục vụ cho Đề án chuyển đổi số của địa phương” tại các địa phương giai đoạn 2021-2024.
Ngoài các chuyên đề kiểm toán trên, KTNN lựa chọn các chủ đề kiểm toán gắn với chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực chuyên ngành của các bộ, cơ quan trung ương, các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, những vấn đề được quan tâm tại địa phương, phục vụ HĐND giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như: việc điều tiết, quản lý và sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế xã hội; quản lý, sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết; chính sách phát triển nhà ở xã hội;…
Lĩnh vực kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, KTNN thực hiện 20 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Đoạn Vũng Áng – Bùng; Đoạn Bùng – Vạn Ninh; Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc như Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; các dự án nhà máy điện…
Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính – ngân hàng, KTNN thực hiện: Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước; Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2024 tại 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính, ngân hàng (Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai); Kiểm toán 02 doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% (Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội và Công ty cổ phần PVI).
Lĩnh vực quốc phòng, KTNN thực hiện 08 cuộc kiểm toán, gồm: Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2024 tại 06 đơn vị (Quân khu 2; Quân khu 4; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân chủng Hải quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng); Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2024 tại 01 doanh nghiệp quốc phòng (Tổng công ty Đông Bắc); Kiểm toán 01 chuyên đề.
Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng, KTNN thực hiện 07 cuộc kiểm toán gồm: Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 tại Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 03 cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2024 (tại 09 tỉnh ủy, các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Công an và 25 công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); 01 cuộc kiểm toán chuyên đề và 02 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.
Kế hoạch kiểm toán năm 2025 của KTNN được xây dựng đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ Luật KTNN, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật KTNN và các quy định của pháp luật.
Đảm bảo định hướng chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và KHKT trung hạn 2024-2026; phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối chung giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp; dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao theo quy định tại khoản 2 Điều 10 KTNN.
Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tập trung kiểm toán những vẫn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm.
Đảm bảo tập trung, dân chủ, trong đó KHKT năm do các đơn vị trong ngành đề xuất trên cơ sở các quan điểm, định hướng chung toàn ngành.
Đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và trong ngành kiểm toán nhà nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương được kiểm toán.
Theo sav.gov.vn