Tại diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Hướng tới khu công nghiệp xanh, khu kinh tế xanh” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 16/11, nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra những thay đổi của bất động sản khu công nghiệp (KCN).
Theo đó, các KCN truyền thống đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều mô hình KCN mới hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng dù là mô hình nào cũng đều hướng tới yếu tố xanh, bền vững. Đây được xem là xu thế phát triển trong tương lai của phân khúc này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn – Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết, trong hơn 30 năm qua, các KCN và KKT đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, trong thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.
Một số điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng.. Việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu ở Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ…
Cùng với việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, Việt Nam đang hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái.
Theo Nhịp sống thị trường