Trước đó, công ty dự kiến chào bán 75 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho với quỹ đầu tư thuộc Bain Capital để huy động vốn 6.375 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo nội dung tại Giấy đăng ký chào bán ngày 24/1 và tài liệu bổ sung ngày 4/3 của Tập đoàn Masan (Mã: MSN).
Phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 ngày 24/4/2023, Nghị quyết HĐQT số 527 ngày 1/10/2023, các Nghị quyết HĐQT số 355 và 359 ngày 5/12/2023, Nghị quyết HĐQT số 37 ngày 24/1/2024.
Trước đó, tập đoàn đa ngành đã thông báo về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng không quá 10% tổng số cổ phần đang lưu hành vào thời điểm chào bán. Chứng khoán sẽ được phân phối cho các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Masan Group đến nay có hơn 1,43 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, theo đó doanh nghiệp sẽ phát hành tối đa 143 triệu cổ phiếu mới. Hội đồng quản trị khi đó xác định giá chào bán là 85.000 đồng cho mỗi cổ phần.
Số tiền thu về dự kiến dùng cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty, đầu tư góp vốn vào các công ty con, nâng cao năng lực tài chính, M&A, tăng sở hữu tại công ty con…
Loại cổ phần chào bán là ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Số cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và khóa trong vòng 1 năm nếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cổ phần ưu đãi cổ tức này sẽ chỉ nhận cổ tức cố định 10%/năm kể từ năm thứ 6 trở đi, đồng thời vẫn được nhận cổ tức khác giống như cổ phần phổ thông. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1 trong vòng 10 năm kể từ lúc phát hành.
Theo công bố của Masan, nhà đầu tư BCC Meerkat LLC (quỹ thuộc Bain Capital) đã đăng ký mua 60 triệu cổ phiếu; tương ứng giá trị giao dịch 5.100 tỷ đồng. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại Masan Group sẽ là 4,02% vốn điều lệ.
Trong một thông tin liên quan, Masan Group phát đi thông cáo báo chí về thương vụ đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD được dẫn đầu bởi Bain Capital. Quỹ này đã đồng ý đầu tư ít nhất 250 triệu USD để mua cổ phần ưu đãi cổ tức với giá 85.000 đồng/cổ phần.
Đầu năm 2024, HĐQT đã thực hiện điều chỉnh phương án huy động vốn với khối lượng chào bán chính thức là 75 triệu cổ phiếu tại mức giá 85.000 đồng/cổ phần, tương đương với số tiền dự kiến thu về khoảng 6.375 tỷ đồng.
Phần lớn nguồn tiền này dùng để thanh toán gốc và lãi các trái phiếu, hoàn trả tiền đặt cọc hợp đồng hợp tác đầu tư, trả lãi các khoản vay và góp gần 2.000 tỷ đồng vào công ty con TNHH Zenith Investment.
Ngoài vốn huy động từ Bain Capital, Masan Group dự kiến sẽ có thêm dòng tiền từ Techcombank khi ngân hàng này mới đây thông báo về kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt và thưởng cổ phiếu. Chứng khoán Vietcap dự báo Masan sẽ nhận khoảng 1.100 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức từ nhà băng liên kết này.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2.290 – 4.020 tỷ đồng, lãi ròng trong kịch bản tích cực sẽ cao gấp đôi năm ngoái.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh