Hãng tư vấn Tisco Advisory của Thái Lan đánh giá nếu Việt Nam được nâng hạng thành thị trường chứng khoán mới nổi trong năm 2024, vốn hóa thị trường có thể tăng trưởng tới 30%.
Thị trường Chứng khoán Việt Nam chuẩn bị được nâng hạng thành thị trường chứng khoán mới nổi. (Ảnh: Vietnam+)
Báo Bangkok Post ngày 30/10 trích dẫn báo cáo của hãng tư vấn Tisco Advisory thuộc ngân hàng Tisco (Thái Lan) cho biết các nhà đầu tư nên theo dõi Thị trường Chứng khoán Việt Nam và chuẩn bị nắm bắt thời cơ nếu Thị trường Chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường chứng khoán mới nổi.
Theo báo cáo của Tisco Advisory, Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài trị giá 4 tỷ USD trong năm 2024.
Tisco Advisory đã tổng hợp những nội dung chính mà các nhà đầu tư cần biết về Thị trường Chứng khoán Việt Nam – thị trường đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống thanh toán chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm đưa Thị trường Chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường mới nổi.
Theo hệ thống hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu tại thị trường Việt Nam phải thanh toán toàn bộ số tiền trong ngày, gọi là thanh toán T+0.
Dựa trên hệ thống thanh toán bù trừ mới, các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu hôm nay có thể thực hiện thanh toán trong vòng hai ngày (T+2), được coi là tiêu chuẩn thanh toán quốc tế.
Hãng tư vấn Tisco Advisory cho rằng việc thanh toán giao dịch T+2 có ý nghĩa quan trọng vì Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện được coi là thị trường chứng khoán cận biên và muốn nâng hạng thành thị trường mới nổi, tương tự như các thị trường ở Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines.
Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang cải thiện hệ thống thanh toán giống như các thị trường quốc tế.
Thứ hai, các công ty chứng khoán lớn trên thế giới, trong đó có FTSE và MSCI, đang giúp nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam.
Tiêu chí của FTSE ít khắt khe hơn so với MSCI khi MSCI yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết.
Nếu quá trình này diễn ra theo đúng kế hoạch, việc nâng hạng sẽ được thông báo vào tháng 9/2024 và quá trình nâng hạng sẽ diễn ra vào tháng 9/2025.
[Chứng khoán Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư thế giới]
Theo Tisco Advisory, Thị trường Chứng khoán Việt Nam có vốn hóa thị trường lớn nhất trong Chỉ số Thị trường Cận biên (FTSE Frontier Index), tiếp theo là Maroc, Bangladesh, Oman, Peru và Kazakhstan.
Khi trở thành một thành viên mới trong các thị trường chứng khoán mới nổi, Việt Nam dự kiến sẽ có tỷ trọng trong Chỉ số Thị trường Mới nổi (FTSE Emerging Markets Index) khoảng 1%.
Theo báo cáo, khi trở thành thị trường mới nổi, Thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút đầu tư từ các quỹ thụ động nước ngoài lên tới 800 triệu USD, gấp 5 lần các quỹ hoạt động nước ngoài.
Việc nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Vietnam+)
Việc nâng hạng thị trường cũng giúp cho Thị trường Chứng khoán Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức tài chính nước ngoài, trong đó, tác động sớm nhất và rõ nét nhất đó là việc mua vào của các quỹ ETF đang sử dụng bộ chỉ số MSCI Emerging Markets Index làm tham chiếu.
Báo cáo lưu ý Tisco Advisory đánh giá triển vọng tích cực đối với Thị trường Chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn. Thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ hoạt động tốt hơn các thị trường chứng khoán châu Á khác.
Về lâu dài, Thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ được thúc đẩy nhờ các yếu tố cơ bản, sự tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết và dòng vốn.
Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khuyến khích thị trường Việt Nam giao dịch ở chỉ số PE cao hơn (PE là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu).
Báo cáo của Tisco Advisory cũng cho rằng Thị trường Chứng khoán Việt Nam có mức tăng hơn 30% dựa trên chỉ số PE trong năm 2024, tăng cao hơn 9 lần mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình lịch sử trong 5 năm qua là 12,25 lần.
Tisco Advisory cho biết nếu Việt Nam thực sự trở thành thị trường chứng khoán mới nổi trong năm 2024, vốn hóa thị trường có thể tăng trưởng tới 30%.
Trước đó, Hội nghị Thường niên năm 2023 của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE) diễn ra từ ngày 19-21/9/2023, Đại hội đồng WFE đã bỏ phiếu thống nhất kết nạp Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam làm thành viên chính thức của WFE.
Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, góp phần quảng bá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Thị trường Chứng khoán Việt Nam./.
Theo Vietnam+