Trong khi Bộ Tài chính bảo lưu ngưỡng doanh thu phải nộp thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh ở mức 150 triệu thì nhiều ý kiến chuyên gia, Hiệp hội chuyên ngành cho rằng ngưỡng thu thuế này cần được nâng lên để “khoan sức dân”.
Các chuyên gia kiến nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT đối với cá nhân, hộ kinh doanh để “khoan sức dân”. Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi mới nhất đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính giữ đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu so với hiện hành.
Đưa ngưỡng chịu thuế lên bằng mức cận nghèo
Trước đó, liên quan đến dự thảo Luật nói trên, đã có nhiều ý kiến góp ý đề xuất cá nhân, hộ kinh doanh doanh thu trên 180-300 triệu đồng một năm mới phải nộp VAT.
Góp ý dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban tư vấn Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), ngưỡng chịu thuế cần nâng lên cao hơn 150 triệu đồng để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021.
Trước đó, góp ý về dự thảo, một số tổ chức, cơ quan cũng đã đề xuất nâng ngưỡng doanh thu này lên cao hơn mức Bộ Tài chính đưa ra.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 300 triệu đồng một năm. Một số cơ quan khác đề nghị mức thấp hơn, như Bộ Giao thông Vận tải góp ý con số 250 triệu đồng, tương đương khoảng 10.000 USD.
Hội tư vấn thuế Việt Nam và một công dịch vụ kế toán đề xuất 180-240 triệu đồng. Theo đó, dẫn Nghị định 07, Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết mức chuẩn thu nhập với hộ nghèo ở nông thôn hiện là 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng, với thành phố là 2 triệu đồng. Như vậy, người có thu nhập một năm 18 triệu đồng là “nghèo và cận nghèo”.
VTCA tính toán nếu dựa vào biểu thuế tính thuế giá trị gia tăng, giả sử với ngành nghề kinh doanh thương mại có tỷ lệ thuế là 10%, sẽ tính ra được con số thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tức là, sau một quá trình kinh doanh thu về 100 triệu, phần giá trị tăng thêm là 10 triệu đồng. Với 150 triệu đồng, con số thu về là 15 triệu đồng.
Lý giải cho đề xuất của VTCA, ông Nguyễn Văn Được cho rằng mức 15 triệu đồng vẫn thấp hơn so với mức cận nghèo 18 triệu đồng, do đó, cần đưa ngưỡng doanh thu này lên mức tối thiểu 180 triệu đồng để sau khi nhân với tỷ lệ thuế, hộ, cá nhân còn lại thu nhập bằng mức cận nghèo.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Được, nếu xây dựng ở mức 240 triệu đồng để đảm bảo người nghèo ở thành phố không phải nộp thuế sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn.
Cần phương án cập nhật lạm phát hàng năm
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, theo quy định hiện hành, hộ – cá nhân kinh doanh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà được áp dụng mức thuế khoán 1,5%/năm dựa trên doanh thu kỳ trước, bao gồm 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.
“Mức thu thuế đối với người có doanh thu trên 100 triệu đồng đang không tương đồng với mức thuế suất của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong khi Thuế thu nhập cá nhân cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định đã lỗi thời.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng mỗi tháng cho người nộp thuế, tương đương 132 triệu đồng/năm, chưa kể mức giảm trừ người phụ thuộc. Như vậy, những người nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có hai người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế” – TS. Tú cho biết.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tú, đề xuất nâng mức doanh thu lên 150 triệu đồng/năm là không hợp lý vì mức thuế VAT và thuế TNCN chưa tương đồng. Cá nhân người làm công ăn lương phải nộp thuế TNCN, trong khi cá nhân kinh doanh phải nộp đồng thời cả thuế TNCN và thuế VAT.
“Nếu sắp tới đây thuế TNCN được điều chỉnh mức chịu thuế lên 20 triệu/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm thì mới phải nộp thuế thì mức này lại không tương đồng với mức chịu thuế VAT 150 triệu đồng/năm mà cơ quan thuế đề xuất. Tôi đề nghị, khi tính toán điều chỉnh một luật thuế, cơ quan thuế phải tính toán sự tương thích của trên toàn bộ hệ thống thuế” – TS. Nguyễn Ngọc Tú đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho rằng, Bộ Tài chính có thể quy định cách tính thuế bằng phương pháp tự trượt, hằng năm được điều chỉnh bằng mức trượt giá CPI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
“Ví dụ: Mức trượt giá của năm 2024 tăng 4% thì mức tăng VAT phải nhân với mức 4% đó để tự trượt, từ đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế” – TS. Tú nói.
Chính sách thuế “khoan sức dân” để phát triển bền vững
Thực tế cho thấy, các đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh vừa qua bị Bộ Tài chính bác bỏ với lý do mức đề xuất 150 triệu đồng đã “căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế”.
Theo Bộ Tài chính, việc nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp phát sinh doanh thu phải nộp thuế VAT.
Về vấn đề này, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng nếu có chính sách thuế “khoan sức dân”, người dân được hưởng lợi sẽ rút ngắn phân hoá giàu nghèo. Hơn nữa, nếu tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sẽ giúp họ có tăng nguồn thu, đóng thuế nhiều hơn.
Ông Được cho rằng nguồn ngân sách hụt thu có thể bù đắp bằng các nguồn nội tại. Theo đó, dẫn ví dụ với thuế khoán cho các hộ kinh doanh, hiện do hội đồng tư vấn thuế xã phường đưa ra mức cố vấn nhưng còn chưa phản ánh đúng, đủ khiến thất thu ở khu vực này, theo ông Được cơ quan thuế cần xem lại quy trình, rà soát các hành vi gian lận. Nếu họ làm tốt thì mức doanh thu thuế khoán sẽ đảm bảo hơn.
Bên cạnh đó, cũng chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, ngưỡng doanh thu 150 hay 180 triệu đồng không hẳn là lý do khiến các hộ gia đình cân nhắc lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà người dân sẽ cân nhắc phụ thuộc vào thể chế, môi trường kinh doanh, chính sách thuế, thủ tục hành chính.
Theo ông Được, hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp vì lo tốn kém chi phí, thời gian do phải thực hiện đầy đủ quy định về hoá đơn, chứng từ, có người phụ trách kế toán, báo cáo thuế theo quy định. Doanh nghiệp phải nộp nhiều loại thuế gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác.
“Nhưng hộ gia đình chỉ nộp thuế khoán với chi phí thấp hơn nên họ có xu hướng lựa chọn làm hộ kinh doanh, không phải do ngưỡng doanh thu”, ông lý giải thêm.
Theo markettimes.vn