Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho ngành lâm, thủy sản

Nếu hết gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất gói 45.000 tỉ, thậm chí 50.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp lâm, thủy sản vượt khó.

Xuất khẩu lâm, thuỷ sản dần phục hồi

Lâm nghiệp và thủy sản là 2 nhóm hàng xuất khẩu mang về giá trị kim ngạch rất lớn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng gỗ hàng năm mang về từ 15 – 16 tỉ USD. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành gỗ và thủy sản, liên tục 2 năm gần đây, xuất khẩu các mặt hàng lâm, thủy sản gặp không ít khó khăn, giá trị kim ngạch đang sụt giảm.

Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kim ngạch trên 16,9 tỉ USD, thì đến năm 2023, với nhiều khó khăn nội tại và khách quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt gần 14,39 tỉ USD. Trong khi đó, thủy sản đã rời nhóm xuất khẩu trên 10 tỉ USD, khi kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ở mức trên 9,2 tỉ USD.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, quý 1/2024, xuất khẩu lâm, thủy sản đang có dấu hiệu khả quan hơn, khi tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 3,6 tỉ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 1,87 tỉ USD, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Image 324

Ngành thuỷ sản có nhiều cơ hội khi thị trường đang có tín hiệu tích cực hơn

Chia sẻ tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đánh giá, ngành lâm, thuỷ sản có nhiều cơ hội khi thị trường đang có tín hiệu tích cực hơn, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tồn kho tại các thị trường đang ít đi, giá xuất khẩu tăng dần trở lại… Dự báo, nửa cuối năm 2024, triển vọng thị trường ngành lâm, thuỷ sản sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, với những khó khăn liên quan đến thị trường, thủ tục hành chính, giá thành sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp, phù hợp để giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD.

Đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Do đó, thời gian qua, đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Đơn cử như điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hơn hết, là quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có ngành lâm sản, thủy sản. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi của cá nhân vay vốn trong lĩnh vực này.

Image 325

Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách, kết quả cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả khả quan với trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đối với ngành nông nghiệp đã lên đến 3,3 triệu tỉ đồng, tăng 11,56% so với 2022. Trong đó, dư nợ ngành thủy sản đạt 236.624 tỉ đồng tăng 12,26%; dư nợ cho vay ngành lâm sản đạt 204.813 tỉ đồng, tăng trên 35%.

“Đặc biệt, vừa qua, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng đã được các ngân hàng triển khai thành công, dù thời gian triển khai đến hết 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 ngân hàng thương mại tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn”, bà Phạm Thị Thanh Tùng thông tin.

Đồng thời bà Tùng cho biết thêm, nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng. Theo bà Tùng, đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.

Cam kết tăng giải ngân vốn vào lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Nam A Bank đã và đang tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, liên kết và hỗ trợ quyết liệt cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm và thủy sản trong giai đoạn sắp tới. Qua đây nhằm giúp các khách hàng tiếp tục ổn định, phát triển kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và giữ vững thị phần xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo ông Cường, định hướng kinh doanh trọng tâm của Nam A Bank là tiếp tục tập trung nghiên cứu chuyên sâu, thiết kế và xây dựng các gói giải pháp, dịch vụ tài chính cho chuỗi giá trị ngành trên cơ sở lấy yếu tố quản lý công nghệ làm trung tâm. Từ đó, giúp gia tăng lợi ích toàn diện cho tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị ngành lâm, thủy sản, đồng thời hỗ trợ tối đa cho ngành nông lâm thủy sản phát triển xuyên suốt và bền vững.

Image 326

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho ngành lâm, thủy sản

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp thủy sản. Cụ thể, hoàn thiện pháp lý, tạo điều kiện cho ngân hàng có quyền chủ động trong việc quyết định cho vay, trao quyền cho các ngân hàng thương mại đánh giá năng lực doanh nghiệp để cho vay thế chấp, tín chấp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đó chỉ đạo ngân hàng thương mại xem xét áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý. Bên cạnh đó còn các chính sách về giãn, hoãn nợ, cải cách các thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, cho vay qua mạng, qua app một cách an toàn…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm, thuỷ sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, các ngân hàng và doanh nghiệp cần hợp tác trên tinh thần sẻ chia. “Ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, linh hoạt trong vấn đề tài sản thế chấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo thu hồi được vốn, còn doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trước nỗi lo về khả năng mất vốn của ngân hàng. Muốn ngân hàng đồng hành, sẻ chia thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ông cũng đồng thời khẳng định, đối với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho lâm, thuỷ sản là gói tín dụng Ngân hàng Nhà nước đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. “Nếu hết 30.000 tỉ đồng, tôi sẵn sàng đề suất 45.000 tỉ đồng thậm chí 50.000 tỉ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Thế mạnh của chúng ta là một đất nước nông nghiệp, thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa, phải phát huy thế mạnh, tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Theo Báo Công thương

Xem nhiều