Thời gian gần đây, CII được chú ý khi là chủ sở hữu nhiều diện tích đất Thủ Thiêm, sau thông tin tái khởi động đấu giá đất tại khu vực này
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 31/1/2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (HoSE: CII) đã chi 115 tỷ đồng để mua lại một phần của lô trái phiếu CII012029-G. Đây là lần đầu tiên trong năm 2024 CII thực hiện việc mua lại trái phiếu.
Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 31/1/2019, có kỳ hạn là 10 năm và giá trị phát hành là 1.150 tỷ đồng. Sau giao dịch mua lại, giá trị lưu hành của lô trái phiếu này giảm xuống còn 1.035 tỷ đồng.
Trong năm 2023, CII đã thực hiện 4 lần chi tiền mua lại trái phiếu, bao gồm việc tất toán hai lô trái phiếu CIIBOND2020-04 (giá trị phát hành 800 tỷ đồng) và CIIH2023006 (giá trị phát hành 550 tỷ đồng).
Động thái chi 100 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn của CII diễn ra chỉ vài ngày sau khi doanh nghiệp này huy động hàng nghìn tỷ đồng từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi. Cụ thể, vào ngày 25/1, CII kết thúc đợt chào bán trái phiếu ra công chúng, phát hành thành công 28.130.689 trái phiếu mã CII42301 trong tổng số 28.401.951 trái phiếu, đạt tỷ lệ chào bán thành công là 99,05%.
CII thu được tổng cộng 2.812 tỷ đồng từ đợt chào bán. Dự kiến, quá trình chuyển giao trái phiếu sẽ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3/2024.
Trái phiếu CII42301 thuộc loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Mỗi 12 tháng, trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, với tỷ lệ chuyển đổi 1:10.
Trong số tiền thu được từ đợt chào bán, CII sẽ sử dụng 1.200 tỷ đồng dành cho việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Công ty TNHH Một thành viên BOT Tỉnh Ninh Thuận, 1.640 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội.
Công ty cũng vừa công bố BCTC quý 4/2023, ghi nhận lợi nhuận gộp về bán hàng đem về 409 tỷ đồng, tăng 34,84% so với quý 4/2022. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính đem về 576 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2023 của CII đạt 167,3 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2022 (8,1 tỷ đồng).
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần CII đạt 3.055 tỷ đồng – giảm 46,83%, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 187 tỷ đồng – giảm hơn 73% so với năm ngoái.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CII là 33.244 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 6.975 tỷ đồng, giảm 3,92%. Hàng tồn kho là 616 tỷ đồng, giảm 62,45%. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 8.516 tỷ đồng, tăng 2,23%.
Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền tính đến cuối năm 2023 là 1.190 tỷ đồng, tăng hơn 4,1 lần so với đầu năm (287 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của CII tính đến cuối năm 2023 là 24.728 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với đầu năm, tương ứng gần 4.500 tỷ đồng. Tổng vay nợ tài chính của CII tính đến cuối năm 2023 là 18.855 tỷ đồng, chiếm 76,37% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, CII được chú ý khi là chủ sở hữu nhiều diện tích đất Thủ Thiêm sau thông tin tái khởi động đấu giá đất tại khu vực này. Cụ thể, tham gia tại Chương trình “Dân hỏi – chính quyền trả lời” phát sóng trực tiếp trên HTV9 ngày 7/1/2024 vừa qua, ông Huỳnh Văn Thanh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM (Sở TN&MT Tp.HCM) – cho biết hiện Thành Ủy và UBND Thành phố đã phê duyệt nội dung kế hoạch đấu giá đất cho khu vực Thủ Thiêm.
Trước đó, hồi tháng 7/2023, Tp.HCM cũng từng lên kế hoạch đấu giá hàng chục lô đất và 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm, trong đó có 4 lô đất “vàng” đã bị bỏ cọc. Cần nhấn mạnh, 4 lô đất “vàng” đã bị bỏ cọc từng gây dậy sóng 2 năm về trước khi mức giá khởi điểm lên đến 2,44tỷ/m2 (bao gồm lô đất diện tích 10.015 m2 đã được Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công với con số cao bất ngờ – 24.500 tỷ đồng). Lúc bấy giờ, loạt doanh nghiệp nắm giữ đất vàng tại Thủ Thiêm được chú ý. Trên thị trường, cổ phiếu của những đơn vị này gồm NVL, CII, PDR, DXG… cũng tăng mạnh theo “cơn sốt” giá đất Thủ thiêm.
Riêng CII, được xem là “ông trùm” đất Thủ Thiêm. Hiện, CII là chủ đầu tư của dự án Thủ Thiêm River Park ngay Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 400 triệu USD có hợp tác với HongKong Land. Khuôn viên xây dựng dự án căn hộ Thủ Thiêm River Park quận 2 rộng khoảng 3,5ha, trong đó lô 3 – 15 rộng 15.376m2, cao từ 10 – 15 tầng và lô 3 – 16 rộng 19.881m2, cao 10 – 20 tầng.
CII còn có dự án The Riverin tại khu Thủ Thiêm. Cụ thể, UBND Tp.HCM đã chấp thuận cho CII triển khai dự án Khu nhà ở chung cư tại lô 3-15 và 3-16 (The Riverin) thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 theo hợp đồng BT. Dự án The Riverin có tổng diện tích 35.259 m2, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Một thành viên Khu Bắc Thủ Thiêm (công ty con của CII).
Dự án Thủ Thiêm Lake View và Marina Bay Thủ Thiêm là 2 dự án khu đô thị mới được CII ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tp.HCM đầu tư xây dựng có số vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, với tổng diện tích 85.255 m2, thuộc phân khu 3 và 4 tại khu đô thị Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, CII cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho hai khu này với tổng mức đầu tư lên đến 2.600 tỷ đồng.
Về Năm Bảy Bảy (NBB) – công ty có liên quan mật thiết đến CII, tháng 5 vừa qua đã góp 635 tỷ đồng góp vốn với thời hạn 36 tháng để thực hiện các dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM). Tháng 9, NBB tiếp tục rót thêm 490 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng hợp tác với Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm.
Năm 2023, CII thông báo khởi động lại dự án BT Thủ Thiêm sau hơn 4 năm dừng thi công. CII cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án hạ tầng mới có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng như dự án đường trên cao, các nút giao thông trong Tp.HCM, cầu Thủ Thiêm 4…
Theo Fireant.vn