Ngày mai (07/02) là phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão, nhiều khả năng dòng tiền vẫn duy trì trạng thái thận trọng và nghỉ ngơi trước lễ nên sẽ khó có sự bùng nổ về thanh khoản nhưng kỳ vọng vẫn duy trì tích cực về mặt điểm số dù khả năng rung lắc là khá cao…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/2, sàn HOSE có 244 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 2,42 điểm (+0,20%), lên 1.188,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 619,7 triệu đơn vị, giá trị 14.623,6 tỷ đồng, giảm hơn 29% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,5 triệu đơn vị, giá trị 1.783,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có thêm nhiều sắc xanh là nhân tố chủ đạo giúp VN-Index còn giữ được trên tham chiếu, dù phần lớn chỉ tăng nhẹ. Trong đó, ba cổ phiếu ngân hàng HDB, CTG, VIB dẫn đầu với mức tăng trên dưới 1,5%. Các mã ACB, VIC, HPG, BID, TCB, MBB, SAB, FPT, GVR, STB, GAS kết phiên tăng từ 0,2% đến 0,7%.
Trong trung hạn thị trường vẫn đang duy trì đang tăng tích cực
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHB dẫn đầu đà giảm, nhưng cũng chỉ -1,7% xuống 11.500 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm với hơn 17,8 triệu đơn vị, còn lại MSN, VRE, VNM, VHM, VJC, MWG chỉ mất điểm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tương tự phiên sáng, khi chỉ có một vài điểm nhấn riêng lẻ tại DGC +5,3% lên 95.600 đồng, FRT +3,4% lên 123.500 đồng, LHG +3,1% lên 35.000 đồng, DHA +2,9% lên 52.500 đồng, BIC +2,9% lên 28.800 đồng, ORS +2,8% lên 16.300 đồng, tăng hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn VCI, EVG, VIP, HTN, HVN, SMC, DBC, SKG, ANV, CTD, DLG.
Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao đã phân hóa hơn, với hai cổ phiếu NVL và VIX dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh với 32,1 triệu và 25,5 triệu đơn vị, tăng nhẹ lên lần lượt 17.250 đồng và 18.000 đồng.
Trong khi đó, HNG và VND giảm, với HNG thêm một lần nới đà giảm, mất 4,2% xuống 3.900 đồng, khớp 16,3 triệu đơn vị, trong khi VND -0,5% xuống 22.100 đồng, khớp 17,8 triệu đơn vị.
Trái lại, hai cổ phiếu giảm đáng kể vẫn là ST8 -6,4% xuống 12.450 đồng, khớp 3,03 triệu đơn vị và POM -3,9% xuống 4.640 đồng, khớp 4,22 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index thu hẹp đôi chút đà tăng về cuối phiên, nhưng vẫn đóng cửa trên tham chiếu. Chốt phiên, sàn HNX có 91 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,15%), lên 230,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84,4 triệu đơn vị, giá trị 1.743,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,23 triệu đơn vị, giá trị 91,2 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đi ngang, giằng co quanh ngưỡng điểm cuối phiên sáng trước khi được kéo khá mạnh ở những phút cuối, đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,38%), lên 88,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,9 triệu đơn vị, giá trị 350,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,54 triệu đơn vị, giá trị 84,7 tỷ đồng.
Nhận định chứng khoán phiên 7/2
Điều chỉnh: Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index kết phiên hình thành nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư ở khu vực kháng cự 1.190 điểm.
Xét khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD đang bẻ ngang ở vùng cao và vẫn có xác suất hình thành phân kỳ âm, đồng thời chỉ báo CMF đã chạm mức 0 cho thấy dòng tiền ở chiều mua chủ động không còn mạnh mẽ như trước và VN-Index sẽ cần thời gian tích lũy trở lại trước khi bước vào nhịp tăng dài hơi hơn.
Ở khung đồ thị giờ, RSI mới tạo 1 đỉnh và chưa cho dấu hiệu hình thành đỉnh thứ 2, và mây Ichimoku vẫn mỏng nên xác suất thị trường sẽ điều chỉnh với biên độ không quá lớn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tận dụng những phiên rung lắc, chỉ giải ngân, gia tăng tỷ trọng ở vùng hỗ trợ đối với những cổ phiếu có xu hướng tích lũy tốt và vẫn đang có diễn biến sideway như chứng khoán, logistics, bất động sản. Bên cạnh đó tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với cổ phiếu chạm kháng cự và đà tăng yếu lại.
Rung lắc: Theo quan điểm kỹ thuật của Chưng khoán Beta (Beta), về mặt xu hướng, VN-Index vẫn đang duy trì nằm trên các đường MA10 và MA20 hàm ý xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được duy trì và hướng về mốc kháng cự tâm lý 1.200 điểm.
Các chỉ báo kỹ thuật như SAR và cặp (DI+, DI-) duy trì trạng thái tích cực, đồng thời band trên của dải Bollinger Bands có dấu hiệu mở rộng hướng lên củng cố cho xu hướng ngắn hạn hiện tại. Trong giai đoạn hiện nay, vùng 1.160 – 1.170 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index.
Ngày mai (07/02) là phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão, nhiều khả năng dòng tiền vẫn duy trì trạng thái thận trọng và nghỉ ngơi trước lễ nên sẽ khó có sự bùng nổ về thanh khoản nhưng kỳ vọng vẫn duy trì tích cực về mặt điểm số dù khả năng rung lắc là khá cao.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang cho thấy có sự phân hóa khi ưu tiên phân bổ vào cổ phiếu của những doanh nghiệp cũng như ngành nghề được kỳ vọng có triển vọng khả quan trong năm 2024. Mặt bằng lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ.
Đuối sức: Với Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), thị trường có phiên tăng nhẹ sau khi vượt vùng đỉnh cũ gần nhất 1.185 điểm. Trong trung hạn thị trường vẫn đang duy trì đang tăng tích cực. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đà tăng có dấu hiệu đuối sức khi chỉ báo RSI hình thành tín hiệu phân kỳ. Bên cạnh đó đường MACD cũng đã cắt xuống đường signal, báo hiệu sự suy yếu của xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Tiếp tục tích lũy: Chứng khoán Đông Á (DAS) thì cho rằng, chỉ số đang đi ngang ổn định quanh vùng 1.180 – 1.190 điểm. Xu hướng của VN-Index vẫn là tích lũy và tăng trung hạn. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong kỳ báo cáo vừa qua, quan tâm nhóm cổ phiếu chứng khoán, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, ngân hàng.
Theo Fireant