(PLO)- Thảo luận tại tổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng phải tìm mọi giải pháp và chạy đua với thời gian để gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản Việt Nam trước khi EC thay đổi nhiệm kỳ.
Tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội ngày 24-10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có 10 phút trao đổi về vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Chủ trương đã rất quyết liệt nhưng thực hiện chưa xứng tầm
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông tin cách đây gần sáu năm, Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU với Việt Nam. Theo ông, điều này gây rất nhiều cản trở cho hoạt động xuất khẩu thuỷ hải sản của nước ta. Tuy nhiên quan trọng hơn, hiện đang có tâm lý lây lan đến các thị trường khác, như Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG
“Nếu những thị trường này cũng áp thẻ vàng cho chúng ta thì đúng là khốn khổ cho bà con ngư dân cũng như các doanh nghiệp làm công việc sơ chế, chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu” – ông Quang nói.
Phó Thủ tướng cho hay Việt Nam vừa tiếp đoàn thanh tra của EC cách đây hai tuần, kết quả cuối cùng, EC chưa gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.
“Đoàn kiểm tra của EC ghi nhận việc chúng ta rất tích cực, quyết liệt, có chủ trương mạnh mẽ nhưng việc tổ chức thực hiện thì đâu đó cũng chưa đúng tầm” – ông Quang thông tin.
Dự kiến khoảng tháng 5 năm sau, đoàn kiểm tra của EC sẽ quay lại kiểm tra một lần nữa.
“Nếu chúng ta không tranh thủ được cơ hội này thì sau đó EC sẽ thay đổi nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức của họ. Sẽ có uỷ ban khác, nhân sự khác phụ trách việc này. Như thế, ít nhất ba năm nữa chúng ta mới được bàn lại câu chuyện này” – Phó Thủ tướng phân tích. Ông cho rằng, nếu kịch bản đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia kỷ lục, mất khoảng 10 năm mới gỡ được thẻ vàng IUU.
“Chúng tôi sẽ cố gắng trong khoảng bảy tháng còn lại. Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách việc này cũng đau đầu lắm, bởi đây là việc rất khó. Chúng tôi sẽ lên một kế hoạch chi tiết, cụ thể, từng bước giải quyết bằng một giải pháp tổng hợp…” – Phó Thủ tướng thông tin.
Theo ông Trần Lưu Quang, nhiều nguyên nhân khiến bà con ngư dân dù không muốn vẫn phải khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, mà lý do lớn lao nhất là lợi ích. “Bà con vẫn nợ ngân hàng tiền đóng tàu, vẫn phải trang trải qua cuộc sống trong khi nguồn lợi thuỷ sản thì cạn kiệt” – Phó Thủ tướng nêu thực tế.
“Mục tiêu của chúng ta là phát triển ngành thuỷ sản bền vững và có trách nhiệm, vì cũng không thể có câu chuyện chúng ta đuổi bắt thế này mãi được. Đều là bà con mình, toàn những người khó khăn và mình đang có trách nhiệm với họ. Bây giờ tổ chức cho nuôi thuỷ hải sản thế nào, chuyển đổi nghề thế nào, quy định tiêu chuẩn mắt lưới thế nào… Tất cả là một câu chuyện rất dài” – Phó Thủ tướng nói và thông tin nếu không giải quyết được câu chuyện trên thì việc phát triển ngành thuỷ sản của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Quang cũng đề cập việc có thể cân nhắc ban hành một nghị quyết của Trung ương hay một chủ trương lớn để có một chính sách đặc biệt, đặc trưng, ưu đãi hơn, để phát triển ngành nghề này.
“Với hơn 3.000 km bờ biển như hiện nay, một ngư trường rộng lớn như vậy là niềm ước ao của rất nhiều quốc gia. Ngược lại, nếu chúng ta không quản lý tốt thì thực sự là gánh nặng” – Phó Thủ tướng nhìn nhận.
“Ngư dân vẫn là nông dân đi đánh cá”
Nêu ý kiến trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng) nhận xét: “Kinh tế biển, kinh tế nghề cá của chúng ta đang vướng nhiều. Câu chuyện IUU kéo quá dài, điều ấy chứng tỏ khả năng phản ứng để khắc phục của chúng ta có vấn đề. Nếu chúng ta không tĩnh tâm để nhìn lại một cách nghiêm túc, tôi nghĩ câu chuyện này còn kéo dài nữa”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo ông Chu Hồi, ba vấn đề cốt lõi lâu nay của ngành là ngư dân- ngư nghiệp- ngư trường đều vướng và yếu. Đặc biệt, ba vấn đề này “vẫn chui vào lồng chính sách của tam nông”, dù đối tượng, phương thức sản xuất, tư liệu sản xuất rất khác nhau.
Phân tích thêm, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho rằng ngư dân, ngoài sứ mệnh làm giàu cho đất nước, cải thiện sinh kế cho gia đình, đây còn là lực lượng không thể thiếu trong việc tổ chức bảo vệ chủ quyền nhưng chính sách cho ngư dân không có gì đặc biệt.
Ngoài ra, ông Chu Hồi cũng đề cập tới hàng loạt vấn đề khác. Cụ thể, Nghị định 67/2014 ra đời chỉ nói đến ngư nghiệp, tức là thúc đẩy đóng tàu to nhưng không giải quyết khía cạnh ngư trường là đánh cá ở đâu, có cá không? Khi đóng tàu to thì liệu việc chuyển từ thuyền thúng sang tàu hàng trăm, hàng nghìn mã lực như vậy có thích hợp không?…
“Ngay từ lúc ban hành nghị định, chúng tôi đã góp ý nhưng vẫn cứ thực hiện và bây giờ là nợ. Hội Nghề cá liên tục phải làm đơn kêu cứu, giúp ngư dân khởi kiện… Bây giờ rất rối, ngân hàng cũng phải tuân theo quy định của họ” – ông Chu Hồi nói.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng có một tiêu chí đơn giản để nhận diện nghề cá đã được công nghiệp hoá – hiện đại hoá hay chưa là nhìn vào ngư dân. Ngư dân không phải là những nông dân mà là công nhân đánh cá. Đến nay ngư dân vẫn là nông dân đi đánh cá.
“Không có bài báo nào, không có ai khi phát biểu không nói vai trò của ngư dân rất quan trọng nhưng khi thể hiện bằng chính sách thì không thấy đâu là nét đặc thù, đặc biệt. Sự hỗ trợ cho cái đặc biệt đó vẫn hơi mờ” – ông Chu Hồi nói và một lần nữa đề nghị cần xây dựng một nghị quyết của Trung ương (hoặc của Quốc hội, chí ít cũng là Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Chính phủ) về ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường (giống như tam nông) để giải quyết lâu dài, căn cơ, gốc rễ vấn đề, để “làm cuộc cách mạng mang tính đột phá”.
Nguồn: plo.vn