Pyn Elite vẫn giữ nguyên quan điểm về dài hạn VN-Index có thể cán mốc 2.500 điểm. Điều này dựa trên sự tăng trưởng lợi nhuận tốt trong vài năm tới và mức định giá rẻ của thị trường…
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite vừa có thư gửi nhà đầu tư trong thư nhấn mạnh trong những năm tới sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung vào sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết tại Việt Nam cùng với mức định giá rất hấp dẫn của thị trường.
Giá trị của quỹ PYN Elite đã tăng 18% trong năm 2024, vượt trội hơn hẳn so với chỉ số VN-Index tăng 12%. Quỹ đã kỳ vọng VN-Index sẽ có một năm mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khi sự tăng trưởng lợi nhuận đã rõ ràng gia tăng vào cuối năm, nhưng chỉ số vẫn bị kẹt trong khoảng 1.200-1.300 điểm.
Mặc dù vậy, Pyn Elite vẫn giữ nguyên quan điểm về dài hạn Vn-Index có thể cán mốc 2.500 điểm. Trước đó, vào năm 2021, Pyn Elite Fund cũng đưa ra kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 2.500 điểm tuy nhiên sau 4 năm chỉ số chung của thị trường vẫn dậm chân tại chỗ.
Mục tiêu vẫn kiên định bất chấp Vn-Index dậm chân tài chỗ, theo quỹ, kỳ vọng này dựa trên sự tăng trưởng lợi nhuận tốt trong vài năm tới và mức định giá P/E của thị trường là 16. Tuy nhiên, thay vì đón nhận tin vui về sự tăng trưởng lợi nhuận, sự chú ý của các nhà đầu tư lại tập trung vào các rủi ro, và trong thời gian qua, tâm lý bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh, khả năng áp thuế của Trump và việc bán ròng cổ phiếu Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự báo năm 2025, P/E thị trường sẽ giảm xuống còn 10,1 nhờ tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ. Quỹ tin rằng các yếu tố rủi ro sẽ lùi lại phía sau, và sự chú ý sẽ tập trung vào sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết tại Việt Nam cùng với mức định giá rất hấp dẫn của thị trường.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán sẽ tương đương 57% GDP vào năm 2025. Thị trường chứng khoán trong một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh có thể đạt được gần 100%.
Người đứng đầu quỹ đánh giá cổ phiếu ngân hàng vẫn còn rất rẻ, mặc dù trong năm nay đã có sự tăng trưởng nhẹ. Trong tương lai, thị trường cần một đợt tăng giá mạnh cho các cổ phiếu ngân hàng để mức định giá của nhóm này trở nên hợp lý hơn.
Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhờ vào đầu tư và thương mại quốc tế, vì vậy thị trường cần quan tâm đến mức độ mà chính sách kinh tế bảo hộ của Mỹ có thể gây hại cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 132%, và quỹ không tin rằng nhiệm kỳ mới sắp tới sẽ làm suy yếu vị thế cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Hoa Kỳ cho rằng cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng tiền Việt Nam (đồng) đều cần phải được tăng giá, vì sự yếu kém của những đồng tiền này đã mang lại lợi ích quá lớn cho các quốc gia trong thị trường xuất khẩu.
“Còn phải xem liệu lập luận tương tự có được đưa ra trong nhiệm kỳ này hay không, nhưng điều chắc chắn là chính quyền Trump sẽ tìm kiếm lợi thế cho Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại một cách quyết liệt. Trong bảy năm qua, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã tăng thị phần của mình trong thương mại quốc tế, và cả hai quốc gia đều có cán cân thương mại thặng dư mạnh mẽ so với Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tránh các khoản thuế và lập luận về thao túng tiền tệ bằng cách cam kết mua từ Hoa Kỳ, bao gồm khí đốt tự nhiên và vũ khí”, ông Petri Deryng nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện toàn cầu trong tương lai, vì thị trường tài chính toàn cầu có trọng số bằng USD cũng ảnh hưởng đến việc quản lý tỷ giá đồng Việt Nam và kiểm soát lãi suất quốc gia.
Đại diện quỹ cũng nhận định, mức định giá của các cổ phiếu công nghệ, sự tăng giá của bitcoin và các thay đổi đột ngột có thể xảy ra trong những yếu tố này tạo ra rủi ro cho đầu tư cổ phiếu toàn cầu.
Các tình huống chiến tranh lớn trên thế giới cũng là một rủi ro cho thương mại toàn cầu. Năm 2025 và những năm tới có vẻ rất thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và sự phát triển tích cực của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những tác động từ các yếu tố rủi ro bên ngoài có thể đôi khi trở nên quan trọng hơn các sự kiện nội bộ của Việt Nam trong việc tạo ra tâm lý thị trường chứng khoán.
Theo vneconomy.vn