Chứng khoán số 1
Đầu tư cùng sóng thần, thịnh vượng cùng Investone
Logo Bg Black

Tư vấn ngay

Xin chào,
[[user.name]]

Sẽ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại

(ĐTCK) Các ngân hàng cho hay, dù tín dụng khó khăn trong 1 – 2 tháng đầu năm, song bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2024 và kỳ vọng dần khởi sắc. Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng.

Tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng trên 4 – 5%

Chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” do Báo Tuổi trẻ tổ chức chiều ngày 5/4, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank chậm, thậm chí âm bởi tâm lý trước Tết người dân, doanh nghiệp thường muốn trả nợ.

Tuy nhiên, từ tháng 2, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đi lên, kéo cả quý I/2024 tăng trưởng tín dụng lên 6%, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2023 khi giai đoạn này năm ngoái tăng 9%. Dù vậy, xét về con số tuyệt đối vẫn tương đương. Theo ông Nam, tổng giá trị tín dụng tăng trưởng của HDBank đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã đáp ứng nhu cầu cho nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế, trong đó có 3 lĩnh vực quan trọng đó là nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất (bao gồm xây dựng, các kênh phân phối), tín dụng xanh… Bên cạnh đó, ông Nam cho biết hiện khách hàng cá nhân có tăng trưởng tốt, phía HDBank cũng có công ty tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng cho công nhân khu công nghiệp, nhóm khách hàng này có sự tăng trưởng.

Nhìn nhận về thị trường 2024, ông Nam cho hay, do đầu năm 2023 đã giải ngân tín dụng khá lớn nên giai đoạn đầu năm 2024 tăng trưởng tín dụng chậm lại, cùng với đó là nhu cầu của doanh nghiệp cũng giảm. Hiện mặt bằng lãi suất thấp, không vướng room tín dụng, doanh nghiệp cũng đỡ áp lực về chi phí vốn, nên dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng với mức độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt 13,5 – 14% là mục tiêu khả thi.

Image 188

Các ngân hàng tham gia hội thảo khơi thông nguồn vốn ra thị trường

Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB cũng cho biết, thị phần chính của ACB là thị phần bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa – SME) chiếm 94%. Đối với mảng SME, ACB sẽ cùng doanh nghiệp dần lớn lên, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp cho doanh nghiệp. ACB cũng đưa ra mức lãi suất thấp cho khách hàng doanh nghiệp 4,9 – 6%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, ACB cũng chỉ cho vay lãi suất dao động trong khoảng 6 – 8%/năm.

ACB hiện áp dụng mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ từ 4-6%/năm, cho vay cá lãi suất từ 6-8%/năm. Đối với cho vay mua nhà, ACB áp dụng mức lãi suất cho vay cố định 7% trong 2 năm đầu.

Đến cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 3,7% (tương đương 18.000 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cá nhân tăng 3,8% và doanh nghiệp tăng 3,5%. ACB đặt mục tiêu tín dụng đến quý II/2024 tăng 9%.

Thị phần của ACB trong mảng bán lẻ khá cao. Trong năm 2024 ACB tiếp tục cũng cố vị thế trong phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh ngiệp SME. ACB tiếp tục tài trợ cùng theo sự phát triển của phân khúc này, năm 2024 ACB tập trung cho doanh nghiệp vừa, FDI và doanh nghiệp lớn với lợi thế cạnh tranh lãi suất cho vay thấp và các sản phẩm dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu khách hàng. Những ngành ACB tập trung tài trợ: FDI; doanh nghiệp liên quan xuất nhập khẩu có dòng tiền, doanh thu tốt dệt may; da giày; nông sản; y tế; ngành nhựa; ngành thị công xây lắp (vốn đầu tư công); doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đối với cá nhân, thế mạnh ACB là cho vay hộ sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng quý I/2024 đi vào các mảng chính gồm sản xuất, kinh doanh (50%), mua nhà để ở (30%), vay tiêu dùng (20%). ACB không cho vay bất động sản đầu tư.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Techcombank cho hay, 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng của Ngân hàng tăng khoảng 3 – 4%, riêng tín dụng của mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu. Theo bà Lộc, Ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất từ 5,5%/năm.

Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt ở mức dao động từ 4,5 – 6,5%/năm. Với doanh nghiệp SME, Ngân hàng cho vay với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng tại Ngân hàng OCB tăng trưởng 4,6% trong quý I/2024, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành, huy động vốn tăng khoảng 5%. Hoạt động cho vay đối với mảng bán lẻ tăng tích cực, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng trong làn sóng giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Tùng, năm 2024, OCB sẽ đẩy mạnh những phân khúc tín dụng là thế mạnh, trong đó bao gồm cho vay doanh nghiệp SME. OCB vừa ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp SME với IFC. Giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho khách hàng vay.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIB ngày 2/4, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt khoảng 1% tính đến cuối quý I/2024. Theo Chủ tịch HĐQT VIB, quý đầu năm thường mất khoảng 1 tháng trong dịp Tết doanh thu sụt giảm nhưng những thời điểm khó khăn nhất đối với ngành ngân hàng đang ở phía sau. Dù cầu tín dụng chưa tăng trưởng đột phá nhưng các phân khúc đều đang tích cực nên kỳ vọng cầu vốn sẽ dần trở lại trong thời gian tới đây.

Lãi suất giảm, gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng

Về lãi suất, PGS-TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế Luật, cho rằng, lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Theo bà Xuân, lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi, cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay, sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn. Điều này sẽ giúp dòng vốn điều hướng về phía những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau về dịch, lãi suất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay, đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Hoạt động sản xuất – kinh doanh đã dần phục hồi.

Image 189

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú

Về tăng trưởng tín dụng của toàn ngành, lãnh đạo NHNN thông tin, tính đến 27/3/2024, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; Tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%…

Theo lãnh đạo NHNN, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Tuy nhiên, từ tháng 3, sản xuất đã hồi phục, vì vậy cần tập trung bàn các giải pháp khơi thông tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất – kinh doanh và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

“Hạn mức tín dụng đã được NHNN giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Tú nhấn mạnh.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất – kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.

Image 190

Theo Tin nhanh chứng khoán

Xem nhiều