Đến cuối tháng 11/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tiếp tục có sự tăng trưởng, đạt 1.819.961 tài khoản, tăng 343.441 tài khoản so với cuối năm trước
Năm 2024, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục phát huy vai trò phân bố vốn và phòng ngừa rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trước bối cảnh thị trường cơ sở biến động mạnh, thị trường chứng khoán phái sinh đã phát huy vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân quý II/2024 đạt 240.862 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với quý I.
6 tháng cuối năm, thị trường cơ sở giao dịch trong biên độ hẹp, thị trường chứng khoán phái sinh giao dịch ít sôi động hơn. Tính chung từ đầu năm tới nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 213.977 hợp đồng/phiên, giảm 9,1% so với bình quân năm trước.
Tính đến ngày 16/12/2024, khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường đạt 53.604 hợp đồng, giảm 6% so với cuối năm trước. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tiếp tục có sự tăng trưởng, đạt 1.819.961 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 11/2024, tăng 343.441 tài khoản so với cuối năm trước.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2024, các Sở Giao dịch chứng khoán đã quản lý và vận hành các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh hoạt động an toàn, ổn định; tiếp tục tập trung xây dựng quy chế nghiệp vụ, các chỉ số đầu tư mới; áp dụng chuẩn phân ngành khi hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động…
Năm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tập trung bám sát tiến độ và phối hợp triển khai Hợp đồng tương lai chỉ số VN100 theo chỉ đạo của đơn vị chủ trì. Theo đó, HNX đã phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thực hiện kiểm thử hệ thống nội bộ và đã thực hiện thành công mẫu Hợp đồng tương lai theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) trên website.
Theo đánh giá của HNX, thị trường chứng khoán phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Minh chứng là, khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm.
Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên thị trường phái sinh. Điều này giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, làm cho thị trường cân bằng hơn, góp phần hạn chế đà sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở.
Theo Fireant