Tại thành phố Thạch Gia Trang, nằm ở trung tâm phía Bắc của Trung Quốc, một biểu ngữ “Hạnh phúc mỗi ngày” được giăng lên bên ngoài hàng rào dẫn vào một khu đô thị chưa hoàn thiện.
Một công trình xây dựng của Tập đoàn bất động sản Evergrande ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Khu đô thị này có tên gọi là Central Plaza, một dự án thuộc tập đoàn Evergrande. Việc thi công của Central Plaza đã bị tạm dừng từ năm 2021, sau khi nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc gặp khủng hoảng và lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Giai đoạn bắt đầu dự án, Central Plaza hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 1.800 ngôi nhà mới dành cho người dân Trung Quốc. Đây là một trong những dự án “hot” của Evergrande, thu hút nhiều người quan tâm và đặt cọc mua trước.
Tuy nhiên, việc Evergrande bị khủng hoảng, đồng nghĩa với việc Central Plaza bị dừng hoàn thiện đã khiến nhiều người dân địa phương bị mắc kẹt vào tình trạng không được nhận nhà, cũng không được hoàn trả tiền đặt cọc mua nhà. Những người này giờ đây chỉ có thể theo dõi thông tin và chờ đợi một sự “cứu cánh”.
Một cư dân Thạch Gia Trang, 38 tuổi, người đã mua hai căn hộ vẫn chưa hoàn thiện trong dự án Central Plaza, với giá hơn 350.000 USD vào năm 2017, cho biết: “Chúng tôi dường như không có cách nào để giải quyết được vấn đề này”.
Ngày 29/1, Tòa án Hong Kong (Trung Quốc) đã ra phán quyết buộc Evergrande phải thanh lý tài sản, để trả khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD. Quá trình thi hành án dự kiến sẽ mất nhiều năm, bao gồm cả việc xem xét một số hình thức tái cơ cấu khoản nợ hơn 300 tỷ USD mà Evergrande đang gặp phải.
Đại diện của Evergrande cho biết tập đoàn sẽ cố gắng hoàn thiện các dự án đang “dang dở”, bất chấp phán quyết của tòa án. Liên quan đến vấn đề này, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã tuyên bố việc hoàn thiện các dự án bất động sản đang xây dựng là ưu tiên chính sách của chính phủ.
Nhưng dự án ở Thạch Gia Trang, một thành phố công nghiệp với khoảng 11 triệu dân, cho thấy quy mô và mức độ khó khăn đối với các dự án “dang dở” của Evergrande. Sự sụp đổ của tập đoàn này đã làm tổn hại niềm tin của người tiêu dùng và tạo ra cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc.
Ngân hàng đầu tư Nomura, vào tháng 112023, ước tính trên khắp Trung Quốc, có khoảng 20 triệu căn nhà chưa hoàn thiện, do Evergrande và các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn để lại. Báo cáo ước tính tổng kinh phí thiếu hụt để hoàn thành các dự án đó vào khoảng 446 tỷ USD.
Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, tính toán, cho đến năm 2023, Evergrande đã nhận được khoản thanh toán ứng trước từ người mua nhà, tương đương với khoảng 600.000 căn.
Theo các thông báo chính thức và thông tin do truyền thông địa phương Trung Quốc đưa, trong những tháng gần đây, các nhà phát triển nhà nước và chính quyền địa phương đã tiếp quản một số dự án bị đình trệ theo chính sách “Bảo đảm giao nhà” do Chính phủ Trung Quốc điều hành.
Tại Thạch Gia Trang, trong tháng 1/2024, chính quyền của thành phố này đã tuyên bố hoàn thành 40 trên tổng số 44 dự án nhà ở đang xây dựng mà họ tiếp quản từ các nhà phát triển bất động sản gặp khủng hoảng trong năm 2021. Tuy nhiên, không có dự án nào thuộc về Evergrande.
Ở vùng ngoại ô nông thôn Thạch Gia Trang, công việc xây dựng đã được nối lại tại một khu dự án nhà ở do Evergrande thực hiện trước đây. Dự án này gồm 48 khu dân cư với gần 3.600 căn hộ đang được hoàn thiện.
Trên mạng internet, một trang WeChat – ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc – do nhà phát triển điều hành cho dự án này cho biết phần xây dựng trên một số tòa nhà đã được hoàn thành vào tháng trước.
Các nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ khoản tài chính được cung cấp để hoàn thành các dự án phát triển nhà ở bị mắc kẹt hoặc số lượng dự án mà các chính quyền địa phương đã thực hiện. Vào tháng 8/2023, Bộ Nhà ở Trung Quốc cho biết hơn 1,65 triệu căn bán trước đã được giao theo chương trình “Bảo đảm giao nhà”.
Theo bnews.vn