Hyosung – tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện – muốn đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2024.
Thông tin được ông Cho Huyn-sang, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung, cho biết trong tọa đàm về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự kiện ngày 17/1 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhân việc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, tại Thụy Sĩ.
Hyosung, thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào Việt Nam, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 9.000 lao động .
Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, rất nhiều công ty Hàn Quốc muốn hiện diện tại Việt Nam. Đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất, Hyosung dự kiến tăng vốn lên 5,5 tỷ USD trong năm nay.
“Điểm mạnh của Việt Nam là sự lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền Trung ương, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tinh thần làm việc chăm chỉ, nghiêm túc của người Việt”, ông Cho Huyn-sang nhận xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự tọa đàm Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, ngày 17/1 tại Davos, Thụy Sĩ. (Ảnh: Nhật Bắc).
Ngoài đầu tư, các doanh nghiệp lớn cho rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính. Đây cũng là cơ hội đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những “vết xe đổ”, những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.
Theo lãnh đạo các bộ, ngành và TP HCM, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tiềm năng phát triển trung tâm tài chính do kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm tài chính khác trong thời gian nghỉ giao dịch.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, theo kế hoạch tới năm 2030, thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực. Trong năm nay, TP HCM phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này và tiếp tục cập nhật, bổ sung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Cùng với đó, các tổ chức có thể nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thụy Sĩ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Theo vietnambiz.vn