Dự án Khu đô thị Cát Bà Amatina có quy mô hơn 172ha với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 11.000 tỷ đồng được lên ý tưởng từ năm 2005. Tuy nhiên sau gần 20 năm chủ đầu tư mới phát triển được một phần nhỏ dự án và đang lên kế hoạch chuyển nhượng một phần cho nhà đầu tư khác.
Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội. Đây là công ty con của Vinaconex với dự án lớn nhất là Khu đô thị tại Cát Bà, Hải Phòng (Cát Bà Amatina).
Ban lãnh đạo công ty cho biết đã hoàn thành các thủ tục xin Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC và xin cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án.
Đồng thời, công ty đang triển khai dần hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác như báo cáo nghiên cứu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, thủ tục điều chỉnh quyết định giao đất, thuê đất, … và thi công hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại của dự án.
Đáng chú ý, với tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý và thi công hạ tầng hiện tại, HĐQT Vinaconex ITC trình cổ đông chuyển nhượng một phần dự án cho nhà đầu tư khác để tiếp tục đầu tư, kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp tác với bên thứ ba để triển khai bán hàng …
Về nguồn tài chính, Vinaconex ITC cho biết sẽ tiếp tục làm việc với tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư có năng lực tài chính để tài trợ vốn thực hiện dự án. Mới đây, HĐQT công ty đã phê duyệt khoản vay tại VPBank trị giá 1.500 tỷ đồng, có thời hạn đến cuối năm 2027.
Phối cảnh Siêu dự án tỷ đô Cát Bà Amatina. Ảnh: Vinaconex ICT
Dự án Cát Bà Amatina có quy mô hơn 172ha và được lên ý tưởng triển khai kể từ năm 2005. Dự án này được quy hoạch trở thành khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng với 1.300 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; các tòa nhà cao tầng hỗn hợp; các tòa căn hộ dịch vụ; khu biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và khu khách sạn (bao gồm khách sạn mini, khách sạn 5 sao, khách sạn cao cấp); các khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, trung tâm thương mại, bến du thuyền.
Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 11.000 tỷ đồng với mục tiêu trở thành dự án đô thị du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây từng được xem là dự án trọng điểm của Vinaconex ICT và công ty mẹ Vinaconex.
Tuy nhiên, sau các cơn sốt đất những năm 2010-2012, thị trường bất động sản dần “đóng băng” và dự án này dần rơi vào quên lãng trước khi được tái khởi động vào năm 2021.
Hồi cuối tháng 6/2021, Vinaconex đã huy động 2.200 tỷ đồng để hợp tác đầu tư với Vinaconex ITC, phát triển phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án.
Tuy nhiên tới cuối năm ngoái, Vinaconex ITC đã thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước thời hạn hợp đồng hợp tác đầu tư trên với Vinaconex, đồng thời hoàn trả toàn bộ 2.200 tỷ đồng vốn hợp tác cho công ty mẹ.
Dù vậy, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số tiền mà Vinaconex rót trực tiếp vào dự án này vẫn tiếp tục tăng theo tiến độ, đạt gần 5.280 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng hơn 550 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, Vinaconex ITC ghi nhận lỗ 286,7 tỷ đồng chủ yếu do chí phí lãi vay. Hiện nay tổng lỗ luỹ kế của Công ty Vinaconex ITC đã lên tới gần 520 tỷ đồng, tương đương 25% vốn điều lệ.
Theo theleader.vn