Sau tháng 8/2023 ghi nhận khối lượng giao dịch cổ phiếu VIC kỷ lục, số lượng cổ đông của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) tăng thêm 17.222 cổ đông. Quy mô nhà đầu tư đồng hành cùng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang lớn hơn Vietcombank, BIDV, VPBank, FPT, BSR.
Lượng cổ đông của Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail. Nguồn: HL tổng hợp.
Theo dữ liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù Trừ Chứng khoán Việt Nam, tại ngày chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản 25/8/2023, Tập đoàn Vingroup có 54.599 cổ đông. Theo dữ liệu công bố trên báo cáo thường niên, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam có 37.377 cổ đông thời điểm cuối năm 2022. Như vậy, lượng cổ đông của Vingroup tăng thêm 17.222 nhà đầu tư sau gần 8 tháng.
Cuối năm 2022, 93,5% cổ đông của Vingroup là nhà đầu tư trong nước. Đi kèm với xu hướng bán ròng từ khối ngoại trong thời gian gần đây, nhà đầu tư nội khả năng chiếm phần lớn trong con số tăng trưởng 17.222 cổ đông nêu trên.
Nói thêm, nếu so với thời điểm tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu lấn sân sang mảng ô tô cuối năm 2017, lượng cổ đông của Tập đoàn Vingroup hiện gấp 4,5 lần. Quy mô gần 54.600 cổ đông của Vingroup nhiều hơn một số ngân hàng như VPBank, Vietcombank, BIDV hay FPT, BSR, đồng thời là mức kỷ lục dựa trên các tài liệu được tập đoàn tư nhân này đưa ra.
Vậy động cơ nào đã khiến lượng cổ đông của Tập đoàn Vingroup vươn lên mức kỷ lục?
Ghi nhận trong tháng 8, hưởng ứng thông tin hãng ô tô Việt – VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VIC của Vingroup nổi sóng tăng từ quanh 50.000 đồng/cp lên vùng đỉnh quanh 75.000 đồng/cp.
Giá cổ phiếu tăng vọt, thanh khoản đi lên với nhiều phiên giao dịch đạt khối lượng trên 20 triệu đơn vị. Hệ quả là, tháng 8 ghi nhận thanh khoản kỷ lục của cổ phiếu VIC.
Tại ngày chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, VIC trong giai đoạn khớp lệnh với khối lượng lớn. Điều này có thể giải thích tại sao lượng cổ đông của công ty lên cao so với thời điểm đầu năm.
Số lượng cổ đông của một số công ty vốn hóa tỷ USD trên thị trường. Nguồn: HL.
Trong nhóm ba doanh nghiệp “họ Vin” niêm yết trên HOSE, tại thời điểm cuối năm 2022, Vingroup có lượng cổ đông lớn nhất, xếp sau là Vinhomes (31.513 cổ đông) và Vincom Retail (19.379 cổ đông).
So với cuối năm 2021, lượng cổ đông của hai thành viên của Vingroup đều sụt giảm mạnh trong khi tập đoàn mẹ có thêm nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quan sau 5 năm lên sàn, Vinhomes và Vincom Retail đã “đại chúng hóa” thành công với số lượng cổ đông gấp hàng chục lần. Thời điểm trước khi lên sàn, tại ngày 3/10/2017, Vincom Retail có 306 nhà đầu tư nắm giữ cổ phần, trong khi đỉnh điểm cuối năm 2021 có hơn 34.000 cổ đông.
Tương tự, lượng cổ đông của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam tăng từ 323 nhà đầu tư cuối tháng 4/2018 lên cao nhất 43.709 cổ đông cuối năm 2021.
Song, diễn biến kém sắc thời gian gần đây tạo xu hướng đối lập giữa số lượng cổ đông và thị giá cổ phiếu. Hiện cổ phiếu VHM đang giao dịch quanh vùng đáy kể từ khi niêm yết (40.000 đồng/cp). Mã VRE đang có thị giá cao hơn khoảng 10% mốc đáy lịch sử ghi nhận cuối quý I/2020 khi dịch COVID-19 nổ ra.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC đang giao dịch ở vùng thấp nhất trong 6 năm, đóng cửa phiên 24/11 ở 41.350 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư đang ở trạng thái lỗ khi nắm giữ cổ phiếu VIC. Nhưng tại đại hội cổ đông năm nay, khi được cổ đông đặt câu hỏi liên quan đến giá cổ phiếu, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đưa quan điểm thị giá đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực và cổ đông trung thành với công ty không mất gì khi chưa bán.
“Tôi tin tưởng rằng cùng với thời gian cổ phiếu VIC sẽ trở lại. Tại sao không trở lại khi VIC là chủ rất nhiều công ty có giá trị cho cổ đông”, tỷ phú Vượng trả lời cổ đông.
Với thị giá như hiện giờ, vốn hóa của Vinhomes và Vingroup lần lượt đạt 170.256 tỷ đồng và 157.706 tỷ đồng, đứng thứ 4 và 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xếp sau Vietcombank, BIDV và PV Gas. Quy mô vốn hóa hiện nay của Vingroup chênh lệch không nhiều so với đơn vị xếp ngay sau là Hòa Phát với 153.510 tỷ đồng.
Theo Dòng Vốn Kinh Doanh