Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương sửa hoặc thay thế Nghị định 24 quản lý thị trường vàng; xây dựng phương án xử lý đối với SCB. Ghi nhận trong ngày, giá vàng liên tục biến động bất ngờ.
Ảnh minh họa: LĐO
Chính phủ yêu cầu sửa đổi hoặc thay thế Nghị định quản lý thị trường vàng
Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng bắt buộc và phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5.3.2024; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát kỹ lưỡng, kiểm tra toàn diện hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán, ngân hàng điện tử… để kịp thời khắc phục sơ hở, lỗ hổng của hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn bảo mật.
Cũng tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Bám sát diễn biến kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo dõi chặt chẽ tình hình, kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời theo thẩm quyền và đúng quy định, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế.
Đồng thời, thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10.4.2024, việc triển khai các gói tín dụng, nghiên cứu có lộ trình từng bước bỏ hạn mức tín dụng và có kiểm soát bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bảo đảm an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch và hoạt động theo cơ chế thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm soát rủi ro nợ xấu và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tích cực thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn cho vay từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3-5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực mua nhà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 27.3.2024 của Văn phòng Chính phủ.
Giá vàng biến động liên tục, đảo chiều chóng mặt
Cập nhật đầu giờ chiều, lúc 13h00, giá vàng SJC ở mức 84,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng lên 84,4 triệu đồng/lượng.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC ở mức 82,4-84,4 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn là 74,9-76,7 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, giá vàng SJC ở mức 82,3-84,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn là 76,6-78,4 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vào phiên sáng nay, ghi nhận lúc 9h00, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng/lượng chiều mua và 700 nghìn đồng/lượng chiều bán so với ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn trơn tại đây ở mức cao kỷ lục hiện niêm yết 74,3-75,8 triệu đồng/lượng.
Đáng nói, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 24k (9999) ở mức 76,2-78 triệu đồng/lượng, tăng thêm khoảng 300 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Phiên ngày hôm qua (9.4), giá vàng nhẫn DOJI cũng đã tăng tới 3 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng SJC tại DOJI lại bất ngờ giảm 700 nghìn đồng/lượng xuống còn 81,9-83,9 triệu đồng/lượng.
Theo Fireant